Trước khi nói chuyện học và nghề, xin được giải thích chữ nghề mà tôi nói đến ở đây không chỉ là các chuyên ngành trong trường dạy nghề, mà là bất cứ kỹ năng lao động chân chính nào giúp tạo ra giá trị cho xã hội. Kiến trúc sư có nghề thiết kế công trình, giáo viên có nghề dạy học, công nhân may có nghề may, ca sĩ có nghề biểu diễn, nhà khoa học có nghề nghiên cứu v..v.. Theo sự phân công của xã hội, mỗi người đều lựa chọn một số nghề nghiệp để làm việc.

Nhưng sẽ thật là không may cho một số bạn trẻ hiện nay đang đứng trước nguy cơ ra trường mà không có một nghề nào trong tay. Chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin mà không thể lập trình, sinh viên trường báo nhưng không có khả năng viết báo, sinh viên ngoại ngữ không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ thành thạo, hoặc sinh viên kế toán gần như mù tịt về nghiệp vụ tài chính…



Tôi cho rằng « học mà không thành nghề » có thể là một nguyên nhân dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp kêu thiếu lao động, trong khi số sinh viên ra trường không có việc làm vẫn tăng. Thậm chí gần đây, tình trạng những người học cao như thạc sĩ, tiến sĩ không có việc làm cũng dần trở nên phổ biến.  Tình hình tuyển dụng ở doanh nghiệp của tôi, chắc hẳn cũng giống với rất nhiều doanh nghiệp khác, đó số ứng viên thạo nghề luôn ít ỏi. Đứng trước các ứng viên « sẵn sàng làm tất cả » mà lại « chẳng biết làm gì cả », các nhà tuyển dụng đành ngao ngán lắc đầu. Không ai có thể đặt niềm tin vào một người đã bỏ ra 3 đến 5 năm ở trường học để rồi chẳng có một chút sở trường nào.

Ngược lại, dù không có nghề để đi làm nhưng tôi thấy nhiều sinh viên lại rất giỏi nghề « đi học ». Dường như đi học mới là kỹ năng quan trọng nhất mà họ được rèn luyện trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Đáng ngại hơn, nhiều người trẻ còn coi đi học như một nghề nghiệp vẻ vang, và họ cứ ở lì tại « doanh nghiệp trường học » mà không chịu nhảy việc.

Khi đi học, những sinh viên này cũng phải trải qua rất nhiều thử thách về thi cử, áp lực học tập giống như một công việc đích thực. Quy định bắt buộc họ « đi làm » đúng giờ hàng ngày, cho phép có hai ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn, và một số kỳ nghỉ lễ trong năm giống như công chức nhà nước. Các « nhân viên » này nhận lương chủ yếu từ cha mẹ với mức thu nhập khác nhau tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Một số khác nhận lương từ nhà nước hoặc các tổ chức theo diện học bổng, đôi khi có yếu tố nước ngoài thì thu nhập có thể cao hơn các đồng nghiệp.

Tôi nhớ trong một buổi trao đổi của mình, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch của Thái Hà Books đã chia sẻ ông không có ý định tuyển những ứng viên có nhiều loại bằng cấp. Có lẽ ông đang nói đến các nhân viên quá yêu « nghề đi học ». Sau khi tốt nghiệp, họ vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nghề này bằng cách học lên bậc cao hơn, hoặc học thêm văn bằng 2, văn bằng 3, các chứng chỉ bổ sung… Những người bạn của tôi cũng nói về thực trạng du học sinh Việt Nam không muốn về nước mà muốn xin học bổng học tiếp vì như vậy vừa nhàn hạ, lại có thoải mái tiền tiêu dùng hàng tháng, hơn hẳn so với đi làm.

Điều này khiến cho tôi tưởng tượng rằng, nếu « đi học » là một nghề tạo ra của cải vật chất cho xã hội thì chắc hẳn Việt Nam phải là một nước rất giàu có, bởi chúng ta sẵn có nguồn lao động ưu tú. Nếu như quốc gia khác có năng suất lao động cao, thì chúng ta cũng có năng suất học hành thuộc loại hàng đầu. Một học sinh ở Việt Nam có thể học nhiều giờ hơn mỗi ngày, vượt qua số môn thi nhiều hơn mà vẫn đạt được thành tích tốt hơn so với các quốc gia xung quanh và cả các quốc gia đã phát triển. Đó thật là một kết quả đáng suy ngẫm.



Chăm học, hiếu học là một truyền thống quý báu từ bao đời của người Việt. Nhưng mải mê với nghề đi học mà quên mất mục đích chính của việc học là góp sức cho xã hội, đất nước lại là một điều không nên khuyến khích. Mong sao, những ai đang làm nghề đi học sẽ sớm tìm thấy một công việc mới, lĩnh vực mới mà họ thực sự đam mê, nhiệt huyết để có thể chính thức « đổi nghề ».