Hôm nay Thủ đô có bão về, trời mưa to từ  đêm qua, tiếng mưa cứ rào rào bên tai không ngớt. Với tình hình này thì chắc ngày hôm nay sẽ lại có một số nơi bị ngập lụt. Trưa nay khó khăn lắm mình mới quyết định ra ngoài mua đồ ăn. Đi bộ, đến cuối đường thì có một chỗ trũng, nước ngập hơn cổ chân một chút, mình chợt nhớ về những cơn mưa rào mùa hạ lúc còn bé, và cả những con thuyền giấy bập bềnh bập bềnh…

Ký ức về thuyền giấy

Thiên đường của trẻ con
Nếu như người lớn luôn thấy mưa là một điều phiền toái, và trời mưa rất có hại cho sức khỏe, thì với trẻ con lại hoàn toàn khác. Mưa là lúc toàn bộ không gian sẽ biến đổi, như thành một thế giới khác, thế giới của nước, thế giới của sự sảng khoái. Mình nhớ rằng ngày trước ở quê, mỗi khi trời sắp mưa thì gió lộng sẽ nổi lên, chuồn chuồn bay đầy trời. Không giống người lớn, trẻ con không bao giờ vội vàng lo về nhà sớm vì trời sắp mưa cả. Những cơn gió mạnh mang theo hương vị đồng quê sẽ bọn làm mình có tâm trạng phấn khởi và phóng khoáng lạ kỳ. Có khi còn có cả những đợt gió xoáy, hoặc gió thổi cát bay mù mịt.
Bọn con trai sẽ rất khoái giơ vạt áo ra đón gió cho áo căng phồng lên, trông như biến thành Trư Bát Giới, mấy đứa con gái thì thường phải một tay giữ cái mũ hoa rộng vành, nếu không sẽ bay mất vì gió tạt. Trẻ con rất thích dầm mưa, dù cho bố mẹ bảo như vậy là không tốt. Lúc còn nhỏ mình cứ thắc mắc tại sao tắm mưa không tốt (dễ bị ốm) trong khi ở nhà, mình vẫn tắm vòi hoa sen, mà nước tắm cũng là nước mưa chảy vào bể thôi mà?
Khi mưa xuống, trên đường quê bao giờ cũng xuất hiện những “dòng suối” mini mà bọn trẻ con ở vùng đồng bằng như mình luôn mơ ước được thấy. Nếu như mọi người thường có nhiều cảm xúc nhất khi thấy biển, thì mình lại thấy xúc động hơn cả khi thấy …suối. Mình còn nhớ lần đầu tiên được nhìn thấy con suối thật, ôi cảm giác thật là kỳ diệu, dù mình đã xem trên tivi không biết bao nhiêu lần. Mình không thể kiềm chế sự thích thú với ý nghĩ có một con suối ở sau nhà mình, như vậy sẽ có bao nhiêu là trò hay. Và những cơn mưa rào sẽ mang con suối đến rất gần. Trẻ con có thể làm rất nhiều việc, ví dụ như ngăn đập để xem nước bị dồn lại một chỗ, rồi lại đào một đường thoát để nước chảy thật nhanh từ đấy ra. Hoặc một cách khác là tạo những cái ô  nho nhỏ bên cạnh dòng chảy, và sau đó nhanh tay vạch một đường cho nước chảy vào tạo thành một hồ nước. Trong dòng chảy của những cơn mưa rào còn có rất nhiều thứ, ví dụ như lá trôi, cành củi khô, cá con, nhện nước…
Có lẽ nhiều người đến giờ nghĩ lại sẽ thấy buồn cười, và nghĩ chẳng bao giờ lại ra nghịch nước bẩn chảy ven đường, nhưng thực ra theo trí nhớ của mình thì ngày trước, ở nông thôn đường rất sạch và không có các loại giấy rác như bây giờ, nên thực sự là nước chảy khi trời mưa vốn rất trong và khá sạch, nên trẻ con ra vầy thoải mái không có đứa nào bị nước ăn chân tay hay bệnh ngoài da bao giờ cả

Những con thuyền giấy
Một trong những game yêu thích nhất của ngày mưa bão là thuyền giấy. Trẻ con luôn có sẵn trò chơi cho mọi tính huống mà người lớn cho là “bất lợi”. Trời nắng – vui, trời mưa – vui, trời sáng – vui, trời tối – cũng vui, có điện – vui, mất điện – càng vui hơn. Vì vậy cùng một ngày trôi qua trên thế giới, người lớn thấy có biết bao nhiêu điều phiền phức xảy đến với mình, còn trẻ con lại thấy những điều thú vị luôn luôn nối tiếp. Khi trời mưa hơi ngớt là bọn trẻ con đã chuẩn bị sẵn các loại giấy nháp, giấy báo cũ để gấp thuyền.
Thuyền gấp để chơi lúc trời mưa thì nhất định phải làm cẩn thận hơn bình thường, vì dòng nước sẽ rất “hung dữ” chứ không tĩnh lặng như ở trong vũng nước hoặc thả xuống hồ. Nếu kiếm đươc loại giấy in lịch treo tường, lâu thấm nước thì càng tốt. Mình thấy người ta thường nói là thuyền giấy có đủ màu sắc, nhưng với bọn mình thì bao giờ thuyền giấy cũng có độc một màu trắng của giấy vở kẻ ô li, họa tiết của nó không phải là cái gì khác ngoài phép toán, bài chính tả và đôi khi có một vết mực đỏ chính là .. điểm kiểm tra và lời phê của cô giáo.
Nhưng mặc kệ thuyền có sặc sỡ hay đơn điệu thì chúng vẫn luôn là tâm điểm chú ý của bọn mình. Nếu chơi một mình, bạn có thể thả xuống và bắt đầu chạy theo thuyền giấy từ đầu đường đến cuối đường, hồi hộp theo dõi xem nó có “thuận buồm xuôi gió” không. Nếu thuyền bị mắc cạn thì phải “khơi thông” cho nó. Thực ra có thể nhấc cái thuyền đặt ra bên cạnh cho nó chạy tiếp là xong ngay, nhưng chẳng đứa nào làm thế. Bọn mình sẽ lấy cành cây lùa nước vào chỗ mắc cạn hoặc tạo dòng chảy mới để thuyền trở lại giữa dòng. Thuyền sản xuất từ giấy nháp nên chỉ chạy được chừng 2 chặng là sẽ ngấm nước và “die”. Thế là lại chạy vào nhà lấy tờ giấy mới.
Còn cách chơi multi-player có nghĩa là “đua thuyền”. Có 2 chế độ đua cơ bản là thi xem thuyền nào “nhanh hơn” và xem thuyền nào “xa hơn”. Cả bọn sẽ chạy theo 2 bên để cổ vũ. Những chiếc thuyền giấy như được gửi gắm dũng khí của chủ nhân, nhanh nhẹn lao đi trên dòng nước, vượt qua các chướng ngại, dù có khi va phải đá, hoặc kẹt giữa đám lá xoan, sau cùng vẫn về đến đích. Có kẻ thắng, người thua, nhưng tất cả chỉ cười rồi lại quay về đầu nguồn đua vòng tiếp theo. Trong cuộc đời, giá như chúng ta đều có đủ khả năng để thấy những chiến thắng hay thất bại cũng chỉ là nhất thời, và nhanh chóng bỏ qua chúng như đám trẻ nhỏ, thì cuộc sống không phải rất dễ chịu sao?

Thuyền giấy ngày ấy – bây giờ
Thả thuyền giấy ngày mưa là một thú chơi đặc biệt. Khi cơn mưa tạnh, thế giới như vừa được “refresh”, những bụi bặm của cuộc sống sẽ được cuốn trôi. Những dòng chảy sẽ duy trì cho trẻ con chơi khoảng 1, 2 giờ sau cơn mưa, trước khi khô cạn và trở về với dáng vẻ bình thường. Bây giờ trẻ con không còn chơi thuyền giấy, một là bố mẹ không cho ra ngoài, hay là có những trò chơi khác, nhưng quan trọng nhất có lẽ là, không còn những “dòng sông” mini để cho thuyền trôi trên ấy nữa. Bây giờ đường ở đâu cũng là bê tông, nước chảy ngầm dưới cống hoặc tràn ra mặt đường.
Nghĩ đến thuở trẻ con thì chẳng ai là không thấy bùi ngùi, ai cũng thấy thời thơ ấu của mình là vui hơn cả, ý nghĩa hơn cả. Vì sao thế, vì thời thơ ấu của chúng ta gắn liền với sự vô tư, lạc quan, vui vẻ và mọi thứ thật là đơn giản. Những con thuyền giấy ngày xưa, với nét chữ nguệch ngoạc của học trò, chở trên mình nó đôi khi một chiếc lá, một bông hoa, một con dế mới tóm được, một hình nhân lấy trong hộp kẹo… mà cũng có khi chở cả ước muốn, tâm tình của tuổi thơ.
Dù lớn bao nhiêu, thẳm sâu trong chúng ta vẫn là những đứa trẻ, đối với thuyền giấy, chúng ta vẫn chỉ là những người bạn nhỏ. Nếu một ngày nào đó bạn thấy thuyền giấy không còn là một con thuyền, mà chỉ là một thứ đồ chơi bằng giấy bỏ, thì không phải bạn đã lớn đâu, mà bạn đã đánh mất một phần tâm hồn của mình, vì thuyền giấy bao giờ cũng thế, chỉ có chúng ta biến đổi mà thôi.
Tháng 8/2013 – Chu Cường từ homqua.net