"Vị tha" không có nghĩa là dễ tha thứ
Có nhiều người hiểu "vị tha" là dễ dàng tha thứ cho người khác . Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ vị tha với những người đã nhận ra lỗi lầm. Nhưng thực ra nghĩa của từ này không phải vậy. Trong tiếng Hán - Việt, "vị" có nghĩa là vì ai, hoặc cái gì, còn "tha" là người khác, thành ra từ "vị tha" có nghĩa là "vì người khác", ý nói người có đời sống tốt đẹp, biết hy sinh cho cộng đồng hoặc quan tâm, chia sẻ với nỗi niềm của những người xung quanh.
Trái nghĩa với vị tha là vị kỷ, tức là người chỉ sống vì mình, quan tâm đến quyền lợi của bản thân mà thôi.
Như vậy câu trên nên được diễn tả lại thành: Chúng ta nên có thái độ bao dung với những người đã nhận ra lỗi lầm.
Tham khảo thêm: Nghệ thuật vị nhân sinh/ Tha hương/ Tha nhân...
"Cứu cánh" là gì?
Cứu cánh là một từ được dùng sai phổ biến trong tiếng Việt, đến mức hầu như người ta rất ít biết đến nghĩa thật của nó. Cứu cánh có nghĩa là mục đích sau cùng, cuối cùng. Ví dụ nói như sau là đúng: Khi mải chạy đua theo thành tích, các nhà giáo dục đã quên mất cứu cánh của việc học tập là thay đổi nhận thức của con người cho tốt.
Trong tiếng Việt, cứu cánh và phương tiện là một cặp phạm trù phổ biến. Cứu cánh là mục tiêu cần đạt, còn phương tiện nói đến cách thức để đạt được mục tiêu đó.
Hiện nay nhiều người dùng cứu cánh với nghĩa như cứu vớt hay cứu tinh. Ví dụ: Cầu thủ A đã có một pha cứu cánh tuyệt vời cho khung thành của đội nhà; hoặc nói Doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ không ngờ lại trở thành cứu cánh của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, các câu này đều sai.
Tồn tại hay là khuyết điểm
Hiện nay khi nghe các bản báo cáo, kiểm điểm trong cuộc họp, chúng ta thường thấy có đoạn nêu: Trong năm vừa qua, đơn vị chúng tôi vẫn còn một số tồn tại do chưa thực sự quyết tâm; hoặc nói Chúng ta cần quyết tâm phát huy ưu điểm, khắc phục các tồn tại...
Tồn tại vốn không phải là một danh từ, mà là một nội động từ mô tả sự hiện diện, hiện hữu của một sự vật, sự việc nào đó. Ví dụ câu nói "Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại" là một câu nói nổi tiếng trong lĩnh vực triết học. Văn hào Xếch-pia cũng đặt ra câu hỏi "To be or not to be?", được dịch sang tiếng Việt là "Tồn tại hay không tồn tại?".
Có lẽ trong trường hợp này, các lãnh đạo Việt Nam đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần cụm từ "vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm", vì năm nào cũng "vẫn còn tồn tại" mà không chịu sửa nên lâu dần nói tắt thành "vẫn còn tồn tại" là ai cũng hiểu. Rồi các vị đó dùng chữ "tồn tại" để thay luôn cho những khuyết điểm, nhược điểm cho nó thêm phần nhẹ nhàng chăng?
Bao giờ cho báo cáo hết "tồn tại"
Đây là hai từ có nghĩa hoàn toàn khác nhau: Điểm yếu nói về vấn đề yếu kém của ai đó, nó trái nghĩa với điểm mạnh. Ví dụ nói: Điểm yếu của anh A là không thể nào tự tin khi đứng trước đám đông.
Trong khi đó, yếu điểm là một từ Hán - Việt chỉ những nơi quan trọng, có tính chất quyết định. Chữ yếu ở đây có nghĩa là quan trọng, giống như trong từ "thiết yếu", "ban cơ yếu"... Ví dụ nói : Việc đánh chiếm được yếu điểm đồi A1 đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân đội ta trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vì vậy chúng ta nên cố gắng để không nhầm lẫn giữa hai từ này. Nếu bạn nói: Tôi tự biết được yếu điểm của tôi là còn chưa cố gắng trong công việc, như vậy là chưa chính xác.
Nghe phong thanh, mặc phong phanh
Có bao giờ khi ngồi trò chuyện, bạn thấy ai đó kể câu này chưa?
- Hình như ông đó nhà lắm của nhưng cậu con trai thì ăn chơi rượu chè dữ lắm phải không bác?
- Thì cũng nghe thiên hạ nói phong phanh, chẳng biết thực hư ra sao.
Ở đây người nói đã dùng sai, vì hai từ có cách phát âm gần giống nhau. Khi có câu chuyện ai đó kể mà nguồn gốc không rõ ràng, chắc chắn, chưa được xác thực thì ta dùng cụm từ nghe "phong thanh" (tiếng đồn). Còn nếu ai đó ăn mặc không đủ ấm và mùa lạnh, có phần không đảm bảo sức khỏe thì ta nói người đó ăn mặc "phong phanh", vậy mới là hợp lý.
Sáp nhập chứ đừng là sát nhập
Hiện nay trên cả các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều phát thanh viên cũng vẫn nhầm lẫn hai từ trên đây. Ví dụ nói: Ngân hàng A đã hoàn thành một thương vụ sát nhập với ngân hàng B; Như vậy là không chuẩn. Khi có hai đối tượng kết hợp với nhau để hình thành một chủ thể mới thì ta dùng từ "sáp nhập", sáp nhập là khái niệm phổ biến trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Ngược lại, sát nhập là một từ có nghĩa nhưng rất ít được sử dụng, đó là khi công cuộc kết hợp được đánh đổi bằng sự hy sinh tính mạng (sát trong trường hợp này có nghĩa là giết). Như trong truyện kiếm hiệp, nếu một bang phái này bắt ép một bang phái khác về quy phục dưới trướng của mình, và sẵn sàng tiêu diệt những kẻ phản kháng, thì tác giả viết đã xảy ra một cuộc "sát nhập" đẫm máu.
Vì vậy, mong sao các cơ quan truyền thông đừng dùng sai chữ "sáp nhập" thành "sát nhập", để khỏi xảy ra điều không may cho các doanh nghiệp làm ăn, mua bán. :)
Sở đoản - hiểu rồi thì nên tránh
Sở đoản là từ mới hình thành trong tiếng Việt một số năm gần đây. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe thấy từ lạ này là trong chương trình gameshow "Đuổi hình bắt chữ". Một người chơi đã dùng chữ "sở đoản" để nói về những mặt yếu, điểm trừ, hay những việc mà mình tự cho là làm rất kém.
Sở đoản là một từ tối nghĩa, sở dĩ có sở đoản là vì người ta cố tìm cái gì đó trái nghĩa với sở trường. Đoán rằng "trường" có nghĩa là dài (như trường kiếm, trường chinh...), người ta gán cho từ trái nghĩa là sở đoản (đoản là ngắn trong tiếng Hán Việt như đoản đảo, đoản mệnh...).
Nhưng ở đây chữ trường lại có nghĩa là khu vực, lĩnh vực. Sở trường là những khu vực, hay lĩnh vực của mình thành thạo (tương tự như mặt mạnh, điểm mạnh). Ví dụ nói: Anh B là kỹ sư cơ khí, vấn đề máy móc là sở trường của anh ấy.
Trường ở đây cũng giống như trong các từ đấu trường (nơi thi đấu), vũ trường (sàn nhảy)...mà thôi. Do vậy nếu đã hiểu, chúng ta nên tránh dùng từ sở đoản, mà dùng từ khác cho hợp lý và sáng nghĩa hơn.
Một số lỗi sai khác trong tiếng Việt: ngày sinh nhật, tối ưu nhất, rất thần tượng, khuyến mại...
Tiếng Việt còn sai nhiều, lỗi nhiều lắm, nhưng ngôn ngữ cũng theo một dòng chảy với xã hội. Giữa lúc đời sống xã hội còn những cái sai, cái lệch lạc thì ngôn ngữ cũng không tránh khỏi bị bóp méo. Tìm hiểu và giữ gìn vốn tiếng Việt, làm cho tiếng Việt trong sáng, làm cho xã hội văn minh là bổn phận của mỗi chúng ta.
Chu Ngọc Cường - Tháng 10/2013.
1 Comments
like anh
ReplyDeletePost a Comment