Ngày cuối năm ở Hà Nội, nhận thấy cũng đã đến lúc phải cập nhật các kiến thức về chăm sóc trẻ em để chuẩn bị cho cuộc sống với gia đình riêng, tôi dạo qua nhà sách để tìm mua vài cuốn sách nói về chuyện dạy con. Đến khu vực bán sách thường thức gia đình, tôi thấy khá nhiều đầu sách giới thiệu các phương pháp dạy con theo kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Châu Âu, kiểu Do Thái… Bên cạnh đó, các tài liệu còn đề cập đến những kỹ năng hiện đại như dạy con phương pháp tư duy thiên tài, dạy con kỹ năng quản lý tài chính, dạy con sáng tạo… thật là khiến một thanh niên trẻ như tôi đứng trước một ma trận kiến thức.

Chuyện người phương Tây giáo dục trẻ thế nào thì tôi đã nghe nhiều, biết nhiều cả trong sách vở và phim ảnh, nhưng còn chuyện ông bà ta dạy con ra sao, cách kinh nghiệm dân gian của các cụ thế nào thì quả là khó kiếm vô cùng. Vì vậy, tôi muốn viết đôi lời chia sẻ, mong sao nếu các nhà giáo dục đọc được, họ sẽ quan tâm phát triển thêm sách báo trong lĩnh vực này.

 Ai cũng phải thừa nhận cách dạy con của mỗi dân tộc đều có sự độc đáo riêng, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Tôi còn nhớ năm 2011, trải qua trận sóng thần lịch sử, câu chuyện về một em bé năm tuổi ở Nhật Bản sẵn sàng xếp hàng đợi thức ăn và từ chối quyền được người khác ưu tiên khiến cả thế giới phải suy ngẫm. Người ta thắc mắc không hiểu người Nhật đã day con cái họ điều gì, khiến một em bé mới vài tuổi trong cơn hoạn nạn lại có ý thức và hành động hết mực văn minh đến thế. Trong khi ở nước khác, ngay cả người lớn cũng không chịu nhường nhịn nhau những chuyện nhỏ nhặt nơi công cộng.

Hay nói về tính tự lập của trẻ nhỏ, quả là chúng ta phải học hỏi các quốc gia phương Tây. Ở cùng độ tuổi như nhau, khi các em bé Việt Nam phải có cha mẹ cầm bát cơm chạy vòng quanh nhà, dụ dỗ bằng nhiều chiêu trò mới chịu ăn, thì các em bé của họ lại có thể đàng hoàng ngồi tự ăn hết cơm không quấy phá. Các em bé phương Tây có khả năng thích nghi, hòa nhập tốt và tự giác cao chứ không ỷ lại vào người lớn như trẻ Việt Nam.

Người Do Thái cũng rất đáng ngưỡng mộ về rèn luyện khả năng tư duy và trí thông minh cho trẻ.Chẳng thế mà dân số của người Do Thái trên toàn cầu chỉ bằng 1/5 nước ta, nhưng cứ 5 giải Nobel thì có đến 2 giải thuộc về người Do Thái.


 
Ngày càng có nhiều ông bố, bà mẹ thích áp dụng các phương pháp của nước ngoài vào việc giáo dục con cái


 Nhưng nói đi thì phải nói lại, cách dạy con truyền thống của người Việt cũng không đến mức chẳng có gì để học hỏi. Thậm chí, ông bà ta từ xa xưa đã xây dựng nên một hệ thống phương pháp giáo dục con rất phù hợp với đặc điểm tâm lý, đời sống và môi trường thiên nhiên của Việt Nam, mà ngày nay chúng ta đã không chú ý phát huy hết những giá trị ấy.

Chuyện trẻ em hư hỏng, kém đạo đức, cũng chưa hẳn là do phương pháp giáo dục của người Việt sai lầm, mà rất điều nhiều là hệ quả của đời sống vật chất hóa, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và sự ảnh hưởng của internet cùng lối sống buông thả của phương Tây.

Nếu một đứa trẻ được dạy dỗ theo đúng truyền thống của gia đình Việt, ắt hẳn phải biết kính trên nhường dưới, biết ứng xử trung thực, nhân ái và sống có lễ độ trong tình yêu thương của gia đình. Khi được yêu thương không đúng cách, đứa trẻ trở nên quá ích kỷ, và nhiều người đã vội đổ lỗi cho cách dạy con của người Việt. Nếu bậc cha mẹ làm đúng như những câu nói “Yêu cho roi cho vọt”, “Anh em như thể tay chân”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… có thể họ đã thành công hơn trong việc giáo dục con cái mình.

Phương pháp của nước khác sở dĩ có nhiều điểm khác chúng ta vì điều kiện và văn hóa của họ cũng có nhiều khác biệt với Việt Nam. Cái gì hay của họ thì ta học hỏi, cái gì không phù hợp thì bỏ qua, chứ cũng không thể dập khuôn lại. Chứng kiến cảnh một em bé sống ở Mỹ có thể nhấc máy gọi điện cho cảnh sát đến nhà bắt cha mẹ vì tội dám “phát vào mông” nó, hay các thiếu niên Nhật có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, đôi khi chỉ vì những nguyên nhân rất tầm thường, chắc hẳn các bậc cha mẹ sẽ thấy mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết của nó.

Và có một điều, tôi tin chắc người Mỹ, người Nhật, người Do Thái sẽ không dạy con cái chúng ta. Đó là tình yêu nước Việt Nam sâu thẳm, là lòng tự hào về dòng dõi con Rồng cháu Tiên, là lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước gian lao, là ý thức giữ gìn bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đó là điều làm nên bao tấm gương thiếu niên anh dũng: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Lý Tự Trọng... khiến nhân loại cũng phải nể phục phẩm chất con người Việt.

Những người trẻ hôm nay thực sự cần hơn nữa tài liệu để khám phá kho tàng kinh nghiệm dạy con của ông cha. Nhà mình có đồ quý, chưa dùng sao đã vội đi mượn của người?