Người Việt Nam luôn mang nặng mặc cảm của một dân tộc yếu. Trong bóng đá cũng vậy, họ rất sợ và bị ám ảnh bởi những cái dớp.
Cái "dớp" là cái gì? Hiểu theo nghĩa thông thường, nó là một điều không may, điều không đáng phải xảy ra nhưng lại cứ lặp đi lặp lại một cách khó hiểu, khó lý giải. Ví dụ: một nhà buôn làm ăn rất giỏi nhưng cứ đến miền đất nào đó là thua lỗ; một anh chàng tử tế, lịch sự nhưng yêu cô nào cũng đổ vỡ và chia tay; hay đơn giản như ai đó thỉnh thoảng mới đi du lịch, mà lần nào đi đâu cũng gặp thời tiết xấu, bị delay..v..v. Những sự việc đó khó hiểu đến mức người ta cảm thấy như có một thế lực vô hình nào đó cố ý ngăn cản công việc kia, dù cho nó vốn hoàn toàn nằm trong khả năng của mình.
Vì thế mà người xưa có đã một số câu thành ngữ nói về cái dớp như "học tài thi phận" hay là "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên"... Quả thật đúng như học trò đi thi, dù có ôn luyện kĩ đến mấy, vẫn có thể bị trượt, thậm chí trượt nhiều lần bởi những nguyên nhân khách quan. Khi đó người ta gọi đó là cái "dớp" của chuyện thi cử.
Quay lại chuyện bóng đá của Việt Nam, cần phải đặt câu hỏi một cách nghiêm túc là Việt Nam có bị "dớp" hay không. Nhìn về đội bóng nước ta những năm trước, bất cứ người dân bình thường nào cũng nhận ra những điểm yếu cố hữu của đội như:
- Thể lực yếu, lại không phân phối sức hợp lý, mới vào trận chạy hùng hục rồi hiệp 2 đi bộ.
- Chiến thuật không có, trận nào cũng đá với một đội hình như nhau nên đối phương cực dễ bắt bài.
- Nhân sự mỏng, đơn điệu và luôn phụ thuộc 1, 2 cá nhân. Nếu cá nhân đó đá không tốt hoặc bị chấn thương coi như vứt cả giải.
- Tinh thần thi đấu không vững, cứ bị dẫn bàn (một điều rất bình thường trong bóng đá) là vỡ trận, tự thua không cần đội bạn đá hay.
Với cách tổ chức như vậy thì đội bóng dù thăng hoa đến mấy cũng chỉ đá hay được 1, 2 trận. Còn về lâu dài nhất định cũng để lộ điểm yếu cho đối thủ khai thác. Ngay cả năm 2008 Việt Nam vô địch, người xem cũng thót tim cho đến những phút bù giờ cuối cùng vì thế trận sa sút và không biết sẽ thua lúc nào.
Khi một đội bóng đã YẾU thì chắc chắn sẽ có rất nhiều dớp. Dớp không thắng được đội A, dớp không ghi bàn được vào lưới đội B, dớp bị đội C chọc thủng lưới ở sân nhà, dớp bị đội D lội ngược dòng ở sân khách... Nói thẳng ra nó chả liên quan gì đến vận rủi, mà nó chính là phản ánh thực lực của đội bóng đó. Nhưng vì không dám nhìn nhận sự thật, chúng ta đổ lỗi cho cái "dớp" để ru ngủ bản thân rằng "Bọn tao đá hay hơn, nhưng chẳng qua do đen nên mới thua chúng mày thôi". Đen 1, 2 lần người ta gọi là đen, nhưng nếu đen 10 lần, 20 lần người ta gọi là thua xứng đáng.
Trong quá khứ ta cũng có những trận bị đội yếu hơn cầm hòa hay đánh bại, nhưng sao nó không thành "dớp", mà chỉ khi đá với đội mạnh nó mới "dớp". Không lẽ thần rủi ro chỉ đi làm vào những trận đá với đội mạnh thôi sao? Chắc không phải vậy.
Từ ngày cụ Park về huấn luyện, lựa chọn tuyển thủ kĩ càng, tập huấn thể lực, rèn giũa ý chí, xây dựng chiến thuật đâu ra đó, Việt Nam chưa thấy có dớp nào xuất hiện. Trận nào thắng là thắng, thua là thua chứ cụ không bao giờ đổ tại dớp. Sau trận thua ở chung kết giải U23 Châu Á, cụ nói với học trò: "Đá thua chính là đá thua, không phải thua vì thời tiết. Nhưng nếu đã cố gắng hết sức thì các anh có quyền ngẩng cao đầu lên". Từ khi có cụ Park, Việt Nam mới biết thế nào là khoa học bóng đá, và đã vào giải đấu, cụ đều chuẩn bị nghiêm túc cho những chiến thắng thay vì ba hoa khoác lác.
Trớ trêu thay, cụ Park cũng là huấn luyện viên duy nhất hay cầu nguyện trên sân trước trận đấu, trong khi các huấn luyện viên trước đó không bao giờ làm điều đó. Nhìn vào cách làm việc của cụ, tôi mới hiểu được thêm một sự thật là người giỏi hóa ra họ không chờ may mắn, cũng không quá tự đại vào bản thân mà họ chuẩn bị mọi thứ, ngay cả chuyện tâm linh một cách toàn diện và chu đáo nhất, rồi kết quả tự nhiên sẽ hiện ra xứng đáng với công sức của họ.
Sau cùng, những người có thực lực tin vào chính mình trong sự khiêm tốn, còn những kẻ yếu thì thường ảo tưởng sức mạnh rồi cuối cùng lại thất bại ê trề và đổ lỗi cho hên xui, cho những cái "dớp" của hoàn cảnh và mãi mãi không bao giờ thoát khỏi được chính cái "dớp" của tâm trí mình.
Chu Ngọc Cường.
0 Comments
Post a Comment