Người Việt Nam vẫn nói "vui như Tết", nhưng bây giờ câu thành ngữ có lẽ phải sửa thành "lo như Tết" thì đúng hơn.

Tết xưa và tết nay

TẾT là gì mà khiến mọi người phải bận tâm thế? Xin thưa Tết (hay Tết Nguyên đán) là lễ hội cổ truyền của một số dân tộc Châu Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch.

Phong tục đón Tết mỗi nơi mỗi khác, nhưng có đặc điểm chung, và cũng trở thành truyền thống ăn sâu vào tâm thức người Việt đó là mọi người đều phải vui. Hễ bước qua giao thừa, từ trẻ con cho đến ông già, ai cũng phải thật vui vẻ, không được cáu giận, không buồn rầu khóc lóc, không nói những điều xui xẻo... Và mọi người tạm ngưng lại mọi công việc để chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp, tổ chức những trò chơi, lễ hội hoặc thi thố cho ngày tết càng thêm vui hơn nữa.

Thế nhưng bây giờ đón Tết kém vui hơn trước nhiều lắm:
- Thay vì thăm hỏi nhau sức khỏe thì ta hỏi nợ nhau
- Thay vì bớt công việc để nghỉ ngơi thì ta cày cố đến tận chiều 30 tháng Chạp
- Thay vì gửi trao yêu thương thì ta trao những chiếc phong bì, những túi quà một cách vội vã để kịp đi biếu xén nơi khác
- Thay vì trông ngóng tất niên thì ta ngóng .. thưởng Tết
- Thay vì về nhà đoàn tụ thì ta đi du lịch nước ngoài cho bằng bạn bằng bè.

Chúng ta đã cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ vào mấy ngày nghỉ ngắn ngủi: thăm viếng, chúc tụng, biếu xén, lễ bái, họp lớp, du lịch... để rồi đánh mất đi ý nghĩa đích thực của ngày Tết.

Dẫu biết Tết của người lớn có nhiều nỗi lo, nhưng nếu biết đủ một chút, dù vật chất không nhiều chúng ta vẫn đón được cái Tết trọn vẹn. Vì vậy xin đừng lo lắng nhiều, Tết sắp đến rồi, hãy vui lên mọi người nhé.