Nhân dịp nói chuyện với mấy người bạn về các dự án start-up của sinh viên, tôi có đề cập với các bạn đến 2 website mà tác giả là sinh viên Bách Khoa đó là Migi (themigi.com) vàBKProfile (bkprofile.com & asking.vn). Sau khi tôi đưa cho các bạn của mình xem 2 web này và giải thích sơ lược về ý tưởng của chúng, tôi đều nhận được những con mắt chữ O và những cái miệng chữ A của các bạn sinh viên từ các trường kinh tế như ĐH Kinh tế QD hoặc ĐH Ngoại thương.
Cảm nhận chung của họ là: Sao Bách Khoa có ý tưởng hay thế? Sao các bạn làm giỏi thế? ..v..v. Và tất cả đều khẳng định nếu họ có trong tay một ý tưởng và khả năng thực hiện như thế thì các website này sẽ không dừng lại ở mức độ hiện tại của nó.
Tuy chưa bao giờ nói chuyện với các bạn founder của BKProfile và TheMigi nhưng có lẽ các bạn không biết là tôi là một fan trung thành của cả 2 site và theo dõi sự hoạt động của 2 trang web gần như mỗi ngày. Từ góc độ một người ngoài cuộc, cảm nhận của tôi về từng project:
+ BKProfile là một ý tưởng thực sự mới mẻ. Nó đã thổi một luồng gió vào cộng đồng sinh viên vốn chỉ quanh quẩn với các diễn đàn cũ kỹ. Tuy cái tên gợi đến một trang web về tuyển dụng, nhưng nội dung chính của BKProfile có lẽ tập trung nhiều vào kiến thức. Với một nền tảng công nghệ vững chắc và được cập nhật, sửa đổi kịp thời + một giao diện đẹp, dễ khám phá, trên hết là đội ngũ nhân sự tập hợp rất nhiều cá nhân ưu tú. BKProfile như một quả tên lửa nạp đầy nhiên liệu đã nằm sẵn trên bệ phóng. Dường như mọi thứ đều hoàn hảo: Con người, kỹ thuật, các chiến dịch thu hút thành viên, các admin giỏi và nhiều kinh nghiệm, lượng thành viên tiềm năng đông đảo, nhu cầu thị trường lớn… Nhưng không hiểu vì sao, suốt mấy tháng nay, lượng thành viên của BKProfile vẫn dậm chân ở số 1 ngàn. Các chủ đề thảo luận thường kết thúc chóng vánh và không hấp dẫn nhiều người tham gia. Bên cạnh đó các câu hỏi cũng tăng trưởng hết sức chậm chạp. Với 1210 thành viên (đến hôm nay – 21/10/2011) BKProfile chỉ có 466 câu hỏi. Cõ lẽ nào thành viên của BKProfile lại không có gì để hỏi sao. Con số trên cho thấy cứ 3 thành viên của BKProfile thì mới có 1 câu hỏi. Trong khi con số nên là một người dăm ba câu hỏi mới đúng chứ nhỉ ???
+Migi không có nhân sự dồi dào như BKProfile nhưng bù lại, dự án Migi lại được tiếp sức bởi giải Nhất của cuộc thi Imagine Cup Việt Nam. TheMigi nhanh chóng được nhiều người biết đến và kèm theo đó là một sự ngưỡng mộ với giải thưởng nói trên. Trên tất cả, đó là một “sự công nhận” đáng kể của giới chuyên môn đối với ý tưởng của nhóm. Nếu Migi không phải là một ý tưởng hay và được thực hiện tốt, họ đã không có được thành tích đó. Ý tưởng của migi là một mạng cho phép mọi người trao đổi đồ dùng trực tuyến. Đây là lần đầu tiên hoạt động đổi đồ được đưa lên internet. Phải thừa nhận một thực tế rằng, rất nhiều tỷ phú được tạo ra từ việc mang “một cái gì đó” lên mạng internet, đó có thể là thư từ, cửa hàng, dịch vụ trò chuyện, ngân hàng, thậm chí là ... xã hội. Vì thế Migi thực sự là một ngôi sao nhỏ đáng gờm đối với thị trường Việt Nam nói chung. Tuyệt hơn nữa, họ còn mang giải pháp của mình lên các thiết bị di động và Facebook. Nhưng từ sau bước khởi đầu xuất sắc đó. Lượng truy cập cũng như trao đổi trên Migi ngày càng giảm. Đến tháng 9 và tháng 10 thì đã giảm hẳn về 0, tức là website hoàn toàn không hoạt động nữa.
Chỉ với vai trò là một sinh viên Bách Khoa, tôi thấy thực sự xót xa trước những ý tưởng tài năng mà như còn điều gì kìm họ ở bệ phóng. Tôi thực sự băn khoăn “Vấn đề ở đây là gì?” dù đó không phải vấn đề của tôi. Tôi khao khát (có lẽ không kém những thành viên bên trong nhiều lắm) một ngày nhìn thấy sản phẩm của Bách Khoa bay xa và chiếm lĩnh thị trường, ít nhất là ở Việt Nam, ở Hà Nội, hoặc thậm chí tại Bách Khoa thôi cũng được rồi, bước đầu mà.
Tôi viết bài này, hy vọng chia sẻ những suy nghĩ của mình và nhận được những góp ý của các bạn có cùng điều trăn trở với tôi.
Về nguyên nhân các dự án này “chưa” cất cánh.
Tôi không biết giờ này các founder của 2 project kể trên đang hướng tầm nhìn về đâu, và tôi e rằng tôi cũng không đủ khả năng để nhìn nhận như họ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn. Dân kỹ thuật hoàn toàn có đủ khả năng thành công trên thị trường xã hội hoặc kinh doanh. Nhìn lại, rất nhiều doanh nhân đi lên từ kỹ thuật chứ không phải kinh tế, đó là Bill, Jobs, Mark Zuckerberg, Page & Brin .. ban đầu họ cũng chỉ có đam mê và sau đó đã tạo ra những đế chế của riêng mình.
Nếu phải kể ra một doanh nhân ưa thích ở Bách Khoa, tôi sẽ chọn anh Nguyễn Tử Quảng. Theo như tôi được nghe, BKAV cũng có ngày nay từ vài cậu sinh viên ngồi tập viết chơi một phần mềm. Còn ngày hôm nay, dù ai nói ngược nói xuôi gì thì cũng phải thừa nhận BKAV đang là số 1 ở nội địa, đang khiến nhiều người thay đổi thói quen dùng phần mềm (sẵn sàng trả tiền) và đang là mối đe dọa với nhiều đại gia khác ở nhiều nền tảng khác nhau. Tôi thấy vài người phàn nàn về anh Quảng, nhưng tôi chưa thấy ai kêu ca về chất lượng của BKAV Pro. (Bạn có cập nhật thông tin từ website của BKis không? Bây giờ BKis không chỉ bán BKAV đâu nhé!)
Tôi nghĩ lý do BKProfile & Migi chưa bùng nổ có thể rất nhiều. Nhưng hy vọng các bạn sẽ muốn nghe một trong các lý do đó, từ góc độ một người dùng?
Với BKProfile: Tôi thích giao diện của BKProfile, tôi hâm mộ tốc độ hiển thị của website các bạn. Nhưng tôi nghĩ các bạn đang cung cấp một dịch vụ hơn là một môi trường. Theo như tôi đang nhận thấy, hầu hết các câu hỏi được các thành viên post lên và sẽ có các admin cực “pro” về vấn đề ấy trả lời cho.
Việc đó thật tuyệt! Nhưng nó không tạo nên cộng đồng. Một mạng rất khác một diễn đàn ở chỗ, các admin chỉ hỗ trợ người dùng để họ trao đổi với nhau thay vì tự mình định hướng nội dung. Các bạn có chắc chắn các Category hiện nay phù hợp mối quan tâm của đa số mọi người?
BKProfile đừng gắn mọi người vào các chủ đề, hãy tạo một môi trường thật tốt, thật tiện lợi để cộng đồng tự phát triển nội dung trên đó. Dù có thể có những topic không ai trả lời, hoặc cuộc tranh luận không đi đến hồi kết, nhưng nó chính là thực tế, nó phản ánh chân thực cuộc sống, nó mang hơi thở của đời thực vào mạng internet.
Chắc hẳn khi làm BKProfile, các bạn đã vào nhiều mạng hỏi đáp khác. Nhưng có một sự thật, các bạn cũng thấy đấy, admin của các mạng như Yahoo hay Google, họ không bao giờ ra mặt trả lời các câu hỏi.
Với TheMigi: Tôi ước gì có thời gian để giúp migi truyền bá thông tin đến nhiều người. Migi đang làm ngược lại với BKProfile, các bạn cung cấp môi trường tốt và “chờ” mọi người vào sử dụng thay vì tự mình can thiệp vào các nội dung của nó.
Migi là một cái tên đẹp, và dường như nó có ảnh hưởng bởi Mimas. Nhưng nó không gợi nhớ một điều gì đó. Có những tiểu tiết mà tôi vẫn chờ đợi các thành viên của Migi sẽ để ý đến. Điểm mạnh của migi là nó có liên hệ với các địa phương trên thực tế. Đó là lý do các bạn tích hợp bản đồ, cho phép mọi người tìm đồ gần mình. Thế thì chắc hẳn đối tượng của các bạn cũng là những người đang ở gần các bạn? Vậy nhưng website của các bạn vẫn có một menu tiếng Anh.
Tôi có cảm tưởng migi được setup bởi những người yêu lập trình hơn là những người thích trao đổi đồ đạc. Bạn có nghĩ một chiếc mp3 nên được thiết kế bởi một người sành nghe nhạc? Các bạn đang làm rất tốt phần lập trình (phần xác) mà hơi sao lãng phần phát triển cộng đồng (phần hồn) của dự án.
Tuy là tay mơ về lập trình, tôi biết nhiều người có thể tạo ra website tương tự TheMigi trong vòng 1, 2 ngày mà không gặp khó khăn gì. Vậy thì điều gì sẽ tạo nên sức sống cho Migi. Các bạn sẽ chống đỡ ra sao nếu có một website tương tự được hậu thuẫn bởi một công ty chuyên nghiệp. Migi hãy hướng nhiều hơn đến cộng đồng nhé!
Con đường nào cho sinh viên Bách Khoa chúng ta?
Trở lại câu chuyện của anh (chắc các bạn học CNTT sẽ gọi là thầy) Nguyễn Tử Quảng. Tôi nghĩ nó là một bài học đắt giá mà chúng ta, những sinh viên Bách Khoa đang loay hoay làm ra “một cái gì đó” nên nghiền ngẫm.
Tôi nghĩ không phải tất cả chúng ta đều biết 1 sự thật đó là không chỉ BKAV. Bản thân anh Quảng khi chọn ngành học CNTT cũng được gia đình cho là “hâm”. Vì lúc đó toàn Việt Nam chỉ có vài cái máy tính, chứ đừng nói đến việc làm về CNTT (gia đình lo anh thất nghiệp).
Có lẽ chúng ta nên cùng hỏi lại, sinh viên Bách Khoa như mình bây giờ, với trăm ngàn cái thuận lợi, liệu có còn cái chất “lì lợm” như thế, hay mọi người thường gọi là sự quyết tâm, niềm tin, sự kiên định...v ..v , bất cứ mỹ từ nào khác nữa.
Các bạn có một project hoành tráng, cơ hội để biến nó thành sản phẩm triệu đô, nhưng các bạn có định gắn cả đời mình với nó, có định theo nó đến hơi thở cuối cùng? Các bạn có dám bất chấp mọi dư luận để duy trì nó theo cách mà “ban đầu mình đã muốn”. Hay nó chỉ là “một cái gì đó hay hay”, “để thêm kinh nghiệm”, “một thử thách để khẳng định bản thân”...
Tôi biết một người ngoài bao giờ cũng dễ nhận định hơn người trong cuộc, vì không có trách nhiệm mà, nhưng ít nhất, tôi cũng có những dự định đang thực hiện và tôi dám theo nó đến cùng, đến cả khi ra trường và nó sẽ còn là một phần sự nghiệp của tôi, một khi tôi đã chọn.
Chiến lược hoành tráng hay chiến lược chậm mà chắc?
Nếu sắp mở một công ty, bạn sẽ nghĩ đến mình phải chuẩn bị gì? Địa điểm? Máy chủ? Nhân sự? Giấy phép? Vốn? ....
Nếu bạn sắp thực hiện một project web, bạn nghĩ mình chuẩn bị gì? Cộng sự? Tài trợ? Tên miền? Hosting? Framework để phát triển?...
Nếu bạn cũng nghĩ như thế thì tôi chúc mừng bạn, vì bạn có một khả năng dự liệu tuyệt vời về quá trình hành động để tạo nên dự án thành công. Nhưng sự thật những dự án thành công nhất lại không khởi đầu như thế:
Steve Jobs đã làm ra máy Mac trong nhà kho. Google tự bỏ tiền mua máy tính. Facebook ban đầu chỉ dành cho vài người. BKAV đã cặm cụi phát triển, cập nhật bằng ...nước lã nhiều năm trước khi được mọi người biết đến. Trong nhiều chiến thuật để đi đến thành công, có một chiến thuật mọi người thường không chọn lựa đó là làm mọi việc chậm chậm, duy trì nó trong nhóm nhỏ, giới hạn rồi để nó tự phát triển lên (nếu nó là ý tưởng tốt).
Nhiều người trong chúng ta thường hình dung ra “ngày thành công” của sản phẩm, và chúng ta cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho ngày đó của đứa con tinh thần: Nó sẽ phải có mục này, nó sẽ phải có tính năng kia, tôi sẽ cần một nhóm PR có năng lực, cái logo phải được thiết kế nổi bật...
Nhưng đôi khi, như thế lại là quá nhiều cho một khởi đầu.
Biết đâu, nếu BKProfile chỉ chuyên hỏi đáp về lập trình (chẳng hạn), các bạn sẽ có một đội ngũ fan lập trình đông đảo và trung thành. Khi đó, các bạn có thể thêm các tính năng khác cho nó cũng không muộn, mà không làm mất các thành viên thường trực của mình. Thay vì hiện nay, khi vào website, tôi, với vai trò một người dùng, thực sự choáng vì sự phong phú các chủ đề của nó. Tôi cũng định đặt một vài câu hỏi, nhưng chẳng biết gửi nó vào đâu. Tôi cũng không biết mình nên hỏi về lĩnh vực gì là phù hợp và kết quả là tôi chẳng hỏi gì.
Biết đâu, nếu Migi chỉ tập trung vào việc trao đổi sách cũ của sinh viên Bách Khoa (chẳng hạn), các bạn sẽ là địa chỉ ghé thăm hàng ngày của dân Bách Khoa. Đầu kỳ tìm giáo trình, cuối kỳ kiếm tài liệu. Nếu Migi làm thế, tôi sẵn sàng tặng nhiều giáo trình cũ của mình và lên đây tìm các sách của người khác. Nhưng giữa một rừng sản phẩm và địa điểm, tôi không tin lắm mấy cuốn sách của mình sẽ có ích cho ai đó.
Và sau tất cả, tôi vẫn với tư cách một thành viên của gia đình Bách Khoa, chúc BKProfile và Migi sẽ sớm rời khỏi bệ phóng để đạt được thành công xứng đáng với những gì các bạn đã đầu tư và cống hiến. Nếu có thể làm gì dù nhỏ, tôi luôn sẵn sàng vì các bạn!
Goodluck for all!
1 Comments
Hiện tại hình như cả hai dự án đều sụp đổ rồi sao anh ah, em ko thấy trang web nào còn cả :(
ReplyDeletePost a Comment