Có câu chuyện vui như sau:
Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc ko nói mà làm. Người Trung Quốc lại sợ ai??? Xin thưa Trung Quốc sợ nhất Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo…
Có lẽ từ lâu nay, người Việt Nam nói chung và những người trẻ nói riêng cũng tự nhận thấy một thói quen không tốt của mình, đó là làm việc gì ít khi làm đến nơi đến chốn, làm cho xong và thật trọn vẹn.
Trong cuốn sách "Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm", tác giả Kim Woo Chung có chia sẻ một câu chuyện về nguyên nhân mà tập đoàn Daewoo luôn thành công trong các thương vụ quốc tế. Câu chuyện ông kể nói về 3 loại nhân viên khi đi đặt tàu vận chuyển cho hãng của mình. Dạo đó ở Triều Tiên phương tiện vận chuyển quốc tế duy nhất là tàu biển, và các doanh nghiệp phải cử nhân viên của mình tranh giành các hợp đồng vì lượng tàu luôn ít hơn nhu cầu. Loại nhân viên thứ nhất chỉ cần đạt được thỏa thuận với tàu vận chuyển là quay về; Loại thứ hai thường chờ đến khi hàng bắt đầu được bốc lên tàu mới quay về; Còn loại thứ ba sẽ chờ đến khi hàng được bốc hết lên và tàu rời bến mới quay về. Thực tế loại nhân viên thứ nhất chỉ đạt được thành công trong khoảng một nửa các hợp đồng, loại thứ hai nhiều hơn còn loại thứ ba thì luôn luôn thành công. Còn nhân viên của Daewoo được huấn luyện như thế nào, ông Kim đã yêu cầu tất cả các nhân viên của mình phải chờ đến khi con tàu đi khuất mới được phép quay về.
Câu chuyện đó cho chúng ta một bài học, đó là khi chúng ta làm một việc gì chỉ với 50, hoặc 70% sự cố gắng, thì thành quả mà ta thu được sẽ không phải luôn là 50, hay 70% so với người cố gắng hết 100% sức lực, mà đôi khi sẽ chỉ là con số 0.
Bạn không thể mặc cái quần với một bên ống chân, không thể đi một chiếc ô tô chỉ với 3 bánh, cũng không thể vận hành máy vi tính khi thiếu bộ xử lý... Cái quần, chiếc ô tô, hay máy vi tính khi đó sẽ không có chút giá trị sử dụng nào. Cũng như vậy, bạn sẽ không tạo nên bất cứ giá trị nào khi làm việc gì nửa vời, như trong ngôn ngữ của người Việt thường gọi là "đánh trống bỏ dùi", "ôm con bỏ chợ"... Vì vậy, khi bạn nhận một công việc và làm nó không xong, đừng tự an ủi mình rằng : "Thực tế tôi cũng đã làm một phần, nhưng vì những nguyên nhân khách quan nên công việc đã không thể hoàn thành". Không! Sự thật là bạn đã thất bại triệt để.
Hãy luôn cố gắng làm mọi việc đến cùng dù trước mắt bạn là những khó khăn
Có nên phân biệt việc quan trọng để làm tốt?
Gần đây có một người bạn của tôi trở về từ Nhật, anh đã kể một câu chuyện khiến tôi suy ngẫm. Đó là trong khóa học, anh ấy phải nộp một bài luận rất dài cho thầy giáo thông qua bộ phận đào tạo. Do lỗi in ấn nên bài tập của anh thiếu mất một trang. Ngay sau khi anh gửi bài, người phụ trách ở bộ phận đó đã gọi điện cho anh nói rằng bài của anh còn thiếu một trang, nhờ đó anh ấy đã bổ sung kịp thời trang tài liệu còn thiếu.
Hành động đó của nhân viên đào tạo cho thấy cô ấy đã đọc (ít nhất là đọc lướt) và kiểm tra rất cẩn thận số lượng trang in trong bài tập của anh bạn tôi. Việc này có vẻ như không thực sự cần thiết lắm bởi lẽ không mấy khi các bài tập bị thiếu trang, và nếu thiếu thì cũng không ảnh hưởng gì đến cô ấy cả.
Nhưng tại sao người Nhật vẫn làm cẩn thận một việc "tưởng chừng" như vô nghĩa? Sau mấy tháng suy nhĩ, tôi hiểu ra vấn đề ở đây là, chúng ta không thể đánh giá đúng tầm quan trọng của một việc cho đến khi kết quả xảy đến với mình và những người xung quanh.
Chúng ta có xu hướng đánh giá mức độ quan trọng của những việc cần làm, việc nào quan trọng sẽ được làm "tử tế hơn" trong khi những việc không quan trọng sẽ chỉ cần làm "làng nhàng" cho xong mà thôi. Ví dụ như trong bài kiểm tra chúng ta sẽ viết chữ nắn nót và không viết tắt, còn trong vở ghi chép sẽ viết cẩu thả và thường xuyên viết tắt. Với những môn học có hệ số cao và phải thi tốt nghiệp, học sinh sẽ học hành nghiêm chỉnh hơn, trong khi với các "môn phụ" (một khái niệm tôi không hề thích, nhưng mọi người vẫn gọi thế) thì học sinh sẽ học bài qua quýt và rất ít khi đào sâu tìm hiểu về nó.
Nhưng cách học như thế sẽ không bao giờ tạo ra những nhà khoa học trong tương lai, cũng như nếu chỉ viết nắn nót trong bài kiểm tra, bạn sẽ không bao giờ là người có chữ viết đẹp. Hãy hình dung một vận động viên nhảy cao, anh ta chỉ cố gắng nhảy trong những lần thi đấu, còn khi tập thì không cố gắng, liệu vận động viên này có thành công và đạt được thành tích tốt nhất? Không bao giờ!
Thực tế có thể có những việc có ý nghĩa hơn với cuộc đời bạn, và có những việc sẽ không có ý nghĩa lắm, nhưng đừng bao giờ vì thế mà bỏ dở, hoặc làm một những việc nhỏ một cách cẩu thả. Thà rằng bạn có thể chọn không làm việc đó, những nếu đã nhận rồi, hãy nhất định làm nó với một thái độ nghiêm túc như thể nó là việc quyết định sống chết.
Bạn có biết rằng các huấn luyện viên bóng đá giỏi thường đến những buổi đá tập và kín đáo quan sát cầu thủ hơn là xem những trận đấu chính thức, những quản lý có kinh nghiệm cũng chú tâm quan sát bạn trong việc làm hàng ngày, những việc nhỏ nhặt hơn là chờ bạn thể hiện trong một cuộc họp hoặc cuộc thi tay nghề. Có thể lúc đó xung quanh bạn không có ai, nếu bạn làm ẩu sẽ không ai biết được, nhưng đừng làm như thế, trước hết là vì trách nhiệm với chính bản thân mình trước đã.
Học chữ tín của người xưa
Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho những người trẻ chúng ta (trong đó có tôi và nhiều bạn khác) có khuynh hướng sai lầm nói trên là vì những định hướng chưa chuẩn xác của giáo dục phổ thông mà hiện nay ngành giáo dục đã nhận ra và họ đang dần có những điều chỉnh.
Chúng ta được đánh giá và phân biệt hoàn toàn bởi thành tích, mà theo quy luật của quản trị học, cái gì được khuyến khích cái đó sẽ lặp lại, bất kể nó là đúng hay sai. Những học sinh không học giỏi các môn "quan trọng" sẽ không được đánh giá cao, mặc dù bạn đó có thể rất giỏi môn lịch sử, môn thể dục hoặc một môn nghệ thuật nào đó. Mọi người đều phải học giỏi Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh... Dĩ nhiên khi còn dưới 18 tuổi học sinh không đủ khả năng để nhận thức chính xác đâu là lĩnh vực có giá trị đích thực với bản thân mình, vì vậy chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức mà người khác áp đặt cho mình. Các học sinh cũng dần dần cho rằng chỉ có học giỏi các môn học chính mới là học tốt. Tệ hơn nữa, một số cho rằng học giỏi các môn đó có nghĩa là mình đã vượt trội hơn các bạn bè và sinh ra kiêu ngạo. Những học sinh này thường lại dễ vấp ngã và thất bại khi bước ra cuộc sống vì nghĩ rằng mình đã giỏi nên không cần nghe lời khuyên của ai khác.
Những thành tích là một cái gì đó không thuộc về chúng ta. Thành tích là cách mà những người xung quanh ghi nhận về bạn. Càng chú trọng thành tích, chính là bạn đang chỉ quan tâm đến thái độ của những người xung quanh dành cho bạn mà quên mất giá trị bản thân. Nhưng những người có kinh nghiệm sống đều biết "thái độ của xã hội" là điều không quá quan trọng, bạn sẽ không tiến bộ nếu chỉ thích được mọi người tán dương. Có câu nói rằng "Hơn thua là với chính mình, hôm nay phải gắng hơn mình hôm qua".
Người xưa thì khác, họ tự nhận thức về bản thân. Mỗi khi làm một việc sai trái, đạo lý dạy con người biết xấu hổ chứ không chờ ai phê phán. Khi đó lương tâm là tòa án nghiêm khắc nhất với mỗi con người. Đó là lý do người dân của các nước tiên tiến thường tự ý thức việc chấp hành luật giao thông, không xả rác bừa bãi, chấp hành quy định nơi công cộng...Nếu chúng ta tưởng rằng các nước mạnh có nền luật pháp phát triển nhờ đó quản lý tốt thì ta đã lầm, càng ở nơi văn mình, tính "ý thức" sẽ càng được đề cao, bởi nó làm nên những con người tốt hơn, những tế bào lành mạnh hơn cho xã hội.
Tôi không có ý phê phán gì ở đây, vì phê phán thì nhiều người đã làm tốt hơn tôi. Nhưng chúng ta đều biết luật giao thông quy định: Đèn xanh đi, đèn vàng chậm lại, đèn đỏ dừng. Còn thực tế, đèn xanh ta đi, đèn vàng đi càng nhanh (để phóng qua kịp ngã tư), còn đèn đỏ cũng vẫn vượt (nhất là khi không ai kiểm soát).
Chúng ta nên học theo người xưa, biết tự xấu hổ khi làm không tốt, không đúng. Gần đây tôi có một số việc giao cho các bạn sinh viên, và một vài người trong số đó đã hoàn toàn mất tích khi deadline (hạn chót) đến gần. Tôi nhớ lại lúc đang đi học, có những lần tôi cũng đã tự cho phép mình "biến mất" như thế. Tôi bỏ dở công việc và mong sao người kia sẽ để cho mọi chuyện lặng lẽ trôi vào quên lãng, bây giờ nghĩ lại thấy thật là hổ thẹn.
Bạn càng trẻ tuổi thì càng cần giữ gìn uy tín của mình. Nếu đã nhận mà không làm được, chúng ta nên học xin lỗi và tìm cách bồi thường lại cho người khác. Thực ra khi biết rằng công việc không hoàn thành được, hầu hết mọi người đều khá rộng rãi khi tôi xin thêm thời gian để bố trí công việc hoặc xử lý nốt một số việc riêng. Chỉ khi bạn tìm cách né tránh trách nhiệm, mọi việc mới rối tung lên, thậm chí dẫn đến bạn không dám nhìn mặt người khác nữa.
Bỏ dở là một tính xấu
Trong quá trình làm việc, tôi thấy có một đặc điểm chung của những người bạn đến từ quốc gia hiện đại hơn mình, đó là nếu phải lỡ hẹn hoặc đến muộn thì các bạn ấy cảm thấy xấu hổ vô cùng, như thế vừa lỡ tay đốt cháy nhà tôi vậy. Còn nhân viên của tôi thì hẹn tôi cùng đến gặp khách hàng lúc 8h30, đúng 8h30 tôi gọi điện bạn ấy có thể đầy tự tin nói với tôi rằng sáng nay ngủ quên và sau 30 phút đến nơi muộn chẳng một lời xin lỗi, đương nhiên cũng chẳng hề rút kinh nghiệm lần sau.
Hãy nhìn VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương cố gắng lết về đích sau khi vấp ngã, nỗ lực của chị còn đáng quý hơn cả tấm huy chương Vàng.
Ngược lại với đối tác Việt Nam nếu tôi đến đúng giờ thì cũng rất nhiều người chưa chuẩn bị xong, hoặc không có ở nhà vì họ nghĩ rằng tôi sẽ đến muộn một lát.
Nếu như trước kia, các chương trình sự kiện thường tổ chức đúng giờ như vé mời, thì sau này họ phải tổ chức muộn hơn 10 phút, rồi 15 phút, nửa tiếng và bây giờ, chúng ta dễ dàng chứng kiến cảnh các khán giả đúng giờ sẽ phải ngồi "nghe nhạc chờ" hàng giờ đồng hồ trước khi chương trình chính thức bắt đầu. Đó là chỉ số chậm trễ của xã hội, mà buồn sao khi ta không thấy đó là điều xấu.
Dù dự định của bạn chỉ là dậy sớm một hôm, viết một đoạn note, đi thăm một người quen... hãy lên lịch trình và thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh tính bỏ dở dang, còn nhiều thói xấu khác chi phối công việc của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng người trẻ cần sửa đổi trước tiên là học "nói sao làm vậy". Với tính hay mơ ước và nhiều ý tưởng như chúng ta hiện nay, nếu ai cũng có quyết tâm làm đến cùng điều mình đã hoạch định, có lẽ Việt Nam sẽ tiến rất nhanh và rất xa hơn nữa.
Làm ăn kiểu dở dang, nói rồi không làm thực sự là một điều xấu. Và rõ ràng, với việc nhỏ, nếu chúng ta không thể hoàn thành, đừng kỳ vọng những ước mơ lớn hơn sẽ đi đến đích.
0 Comments
Post a Comment