Tôi rất thích bài hát của ca sỹ Mỹ Tâm có tên là “Đôi cánh tình yêu”. Trong đó có câu “Ngày xưa anh bé, đã ước mơ gì? Còn em mơ ước sẽ được bay cao..” Bài hát này làm tôi nhớ về tuổi thơ. Tuổi thơ của chúng ta đều có những ký ức đẹp. Và một trong những điều làm tuổi thơ đẹp nhất đó là những ước mơ.
Ngày bé bạn đã ước mơ điều gì, hãy dành 30s để thử nhớ lại..
Đó có phải là ước muốn làm phi công để bay thật cao? Hay trở thành một cảnh sát với khẩu súng thật ngầu và bảo vệ sự yên bình của mọi người? Thấy ông bà ốm, bạn có muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người? Hay bạn thích làm ca sĩ để cất cao giọng hát trước những đám đông?
Thời gian đã qua đi, 15 năm, hay 20 năm với chúng ta, hỏi rằng có bao nhiêu người còn nhớ được ước mơ của mình, và lại có bao nhiêu người đang theo đuổi những ước mơ thời thơ ấu?
Có phải bạn cũng mơ hồ cảm thấy, có một cái gì đó đã bào mòn những ước mơ của chúng ta. Bây giờ bạn làm việc vẫn có mục đích, nhưng thay vì bay cao hoặc chữa bệnh, đó lại là một tấm bằng, là lương $1000 / tháng, là một chiếc iphone 4S, là một cô vợ đẹp hoặc một người chồng tốt, đó là được trưởng thành và trở nên kinh nghiệm trong công việc, đó là được sếp chú ý và giá mà sếp chọn mình làm trưởng phòng…
Nó là một cái gì đó thực tế, gần gũi, không quá xa tầm tay của chúng ta nhưng đôi khi lại tầm thường đến mức phũ phàng khi đem so sánh với những ước mơ khi còn bé của bạn.
Điều tệ hơn cả, đó là những mong muốn của chúng ta, càng ngày càng có xu hướng vị kỷ thay vì xu hướng vị tha. Chúng ta ước những điều tốt đến với bản thân mình thay vì đến với những người khác. Vì ước muốn của chúng ta chỉ tầm thường như thế, đôi lúc chúng ta quên mất bên cạnh mình còn có rất nhiều số phận cần được giúp đỡ và chở che.
Một cách sòng phẳng mà nói, tôi cho rằng những mong muốn tầm thường như thế, không đáng được gọi là ước mơ.
Tại sao lại thế?
Tôi nghĩ rằng, một cách tự nhiên, chúng ta đều không muốn từ bỏ ước mơ của mình (làm bác sĩ cứu người chẳng hạn). Nhưng chúng ta phải lớn, và “có lớn” thì phải “có khôn”. Đôi khi chúng ta đã thổ lộ ước mơ của mình với mọi người. Nhưng thế giới thực là một nơi dường như không dành cho những ước mơ.
Nếu bạn nói với ai đó “Tôi muốn làm ca sĩ!” và cất cao giọng hát “véo von” của mình. Hầu hết mọi người chỉ bịt mũi cười bạn.
Nếu bạn nói với bẹn bè “Tớ muốn làm bộ đội để bảo vệ tổ quốc”. Thằng bạn thân của bạn sẽ trố mắt nhìn bạn “Cậu có bị hâm không?”
Nếu bạn nói với gia đình “Con muốn lên vùng núi để dạy học cho người dân nghèo”. Bố mẹ bạn sẽ ra rả cái điệp khúc “Con ơi, học Bách Khoa ra đâu phải để lên vùng núi, con hãy cố xin việc vào SamSung hoặc Viettel, đời con sẽ được ổn định”.
Nếu bạn nói với một người đi trước “Tôi muốn thành đạt như Bill Gates”. Anh ta sẽ vỗ vai bạn và nói “Chú đúng là tuổi trẻ nên còn mơ mộng nhiều”.
Đôi khi bạn muốn thốt lên giữa mọi người “Tôi muốn làm một điều gì đó vĩ đại, tôi muốn thay đổi thế giới!!!!”. Câu đáp lại chỉ là “Mày mơ à??”
Những lúc đó, không mấy người dám dũng cảm đáp lại “Đúng, tôi đang mơ, nhưng tôi sẽ biến ước mơ đấy thành hiện thực!” (vì những ai đáp thế hầu hết đã nổi tiếng rồi). Chúng ta thường thẹn thùng, đôi khi nghĩ lại về ước mơ của mình và nhìn chung bạn sẽ không muốn nhắc lại những ước mơ đó nữa.
Chính vì chẳng bao giờ nhắc lại những ước mơ đó nữa, có lẽ phần lớn chúng ta đã quên. Hoặc giả còn nhớ thì khao khát thực hiện nó cũng không còn nữa. Làm sao người ta có thể nhớ được một điều đã không được nhắc đến hàng chục, thậm chí hai chục năm cơ chứ?
Nhưng bạn biết không, chúng ta thật đáng thương nếu sống mà không có ước mơ, hoặc quanh quẩn với những ước mơ tầm phào. Khi ước có 1000USD/tháng, bạn quên mất mình có thể làm ra 1 triệu USD. Khi ước làm trưởng phòng, bạn quên mất mình được sinh ra với khả năng lãnh đạo một quốc gia. Khi ước có iphone 4S, bạn quên mất mình có thể sản xuất ra những chiếc điện thoại tốt hơn thế. Khi ước có một cô vợ đẹp, bạn quên mất điều bạn thực sự cần là hạnh phúc gia đình. Chúng ta thực sự đã bỏ lỡ rất nhiều thứ vì thế.
Tôi đã thí nghiệm trong rất nhiều lần phỏng vấn bằng cách hỏi một câu hỏi bất chợt với các bạn trẻ “Ước mơ của bạn là gì?” Có những người không trả lời được, có người trả lời tôi những đáp án như trên, có người nhanh trí “bịa” ra một ước mơ gì đó như kiểu “Em muốn lập một công ty và kinh doanh trong ngành công nghệ thông tin”.
Tôi biết chắc đó không phải những ước mơ xuất phát từ tâm hồn họ, càng không phải những ước muốn thường trực trong họ. Suy nghĩ thường trực trong họ lúc đó rõ ràng là thấp hơn, ánh mắt họ nhìn gần hơn và lời nói của họ thể hiện họ quan tâm đến những điều bình thường hơn.
Trong các bạn, có ai cũng rơi vào tình trạng đó không? Hãy tự hỏi lại mình ngay lúc này, vậy ước mơ của bạn là gì, nó có đủ lớn để bạn theo đuổi không?
Hãy luôn mơ ước! Hãy tìm lại những điều cao đẹp trong ước mơ và lẽ sống của mình. Bạn có biết để có bạn ra đời, xác suất đó chỉ là một phần vạn trong vô số tinh trùng của người cha đã đến với tế bào trứng của người mẹ. Để có mặt trong cuộc sống, bạn đã chiến thắng hàng vạn anh em của mình. Bạn sinh ra đã mang gen của người dẫn đầu. Hãy ước mơ ghi dấu sự tồn tại của chúng ta trong lịch sử nhân loại!
Câu lạc bộ của chúng ta là một tập thể tốt và chúng ta có đủ sức tạo ra những sự rung chuyển. Hãy ước mơ khiến mọi người phải chú ý đến chúng ta!
Trường chúng ta là nơi sản sinh ra những anh hùng và những danh nhân đáng kính với 55 năm lịch sử. Bách Khoa đẹp và tài giỏi. Hãy ước mơ mang tên tuổi Bách Khoa ra quốc tế!
Hà Nội 1000 năm tuổi, thành phố vì hòa bình. Hà Nội có tắc đường, có những hành vi không đẹp, nhưng Hà Nội thực sự tồn tại đâu đó ngoài kia, sâu lắng trong từng góc phố, đẹp rạng ngời mỗi sớm mai bên hồ. Hà Nội quá đẹp nên không ai có thể quên. Hãy ước mơ làm thành phố của chúng ta chuyển mình!
Đất nước đang gặp những khó khăn, bạn có bao giờ vào hùa với những người rảnh rỗi kêu ca về chính sách, chê bai các vị nguyên thủ, chế giễu những thói quen xấu của chúng ta. Hãy dừng lại ngay. Hãy ra Trường Sa để thấy sự thiêng liêng của từng tấc đất quê hương. Hãy thử gặp và thử làm việc cùng với các lãnh đạo của nhà nước để biết họ yêu nước và hy sinh nhiều cho đất nước đến dường nào. Hãy đến một đất nước có chiến tranh để trân trọng từng giây, từng phút hòa bình. Hãy một lần cất cao bản quốc ca nơi đất khách quê người từ trái tim! Bản nhạc đó sẽ làm bạn khóc!
Lúc đó, bạn sẽ ước mơ sống hoặc chết vì tổ quốc!
Trong cuộc sống, bạn có thể đánh mất tất cả, nhưng xin đừng bao giờ đánh mất ước mơ của mình.
Thay cho lời kết, xin trích dẫn câu nói của CEO mới qua đời của Apple Steve Jobs. Câu nói gần đây đã được cộng đồng nhắc đến rất nhiều: “Hãy luôn khao khát. Hãy sống dại khờ” (Stay Hungry, Stay Foolish).
Chúc bạn may măn và có nhiều ước mơ!
0 Comments
Post a Comment