Ảnh: Sưu tầm |
Mặc dù ở cái tuổi còn ngây thơ, nhiều đứa ban ngày chưa biết tự xúc cơm ăn, đêm còn tè dầm, nhưng chúng ta đã sớm được "lùa" vào hệ thống lúc nào không hay. Một ngày đẹp trời, chỉ thấy cô giáo dặn từ mai đi học phải quàng khăn đỏ, thế là nghiễm nhiên trở thành một đội viên, "mầm non" của Đảng mà chả đứa nào hiểu mô tê gì. Mỗi năm, lớp sẽ tổ chức "đại hội" dưới sự hướng dẫn của các cô, cũng họp hành, báo cáo, trình bày phương hướng và bầu bán như người lớn...
Nói về cái đại hội thì tôi phải công nhận nó là một trong những màn trình diễn ngoạn mục nhất của tuổi thơ chúng ta. Thường thì thành phần dự cũng được chia làm hai loại. Mấy đứa mặt mũi sáng sủa, học hành ngoan ngoãn sẽ được cô giao cho việc quan trọng như đại diện lớp vào đoàn chủ tịch, đọc báo cáo, nêu tham luận... Đôi khi còn có cả dàn xếp một bạn tham luận và một bạn phản biện cho thêm phần ... dân chủ ^^. Ngược lại những đứa còn lại sẽ chỉ được giao mỗi một nhiệm vụ là "ngồi yên không nói chuyện". Cả lũ đau khổ bấm bụng ngồi chờ cho đến khi hết buổi đại hội và thực ra không hề hiểu chuyện gì đang diễn ra ở phía trên. Đại hội của học trò dường như cũng phân cấp một nhóm nhỏ có tố chất, sinh ra để làm lãnh đạo và số đông những đứa còn lại thì chỉ im lặng, ngơ ngác nắm trên tay những lá phiếu nhỏ nhoi.
Trong cả cái đại hội, phần khiến tôi thấy thú vị nhất chính là màn bầu cử. Đến mãi sau này, làm qua hàng trăm cái đại hội ở các cấp độ khác nhau, tôi vẫn luôn thắc mắc một chuyện thế này. Lúc cho ứng cử hầu như sẽ không có ai tự ứng cử cả. Mà đã không ứng cử thì nghĩa là người đó thấy bản thân mình hoặc không đủ khả năng, hoặc là họ không muốn làm. Tôi không thấy có nguyên nhân thứ 3 nào nữa. Tuy nhiên, đến lúc đề cử, theo sự sắp xếp của ban tổ chức, nhất định sẽ có người đứng lên đề cử một danh sách được "chuẩn bị kĩ lưỡng", thì những anh không ứng cử kia vẫn vui vẻ chấp nhận và tự bầu cho chính mình. Thật là khó hiểu khi con người thay đổi trong chớp mắt như vậy. Có thể sự khiêm nhường trong khoảnh khắc đó đã nhường chỗ cho tinh thần trách nhiệm, và họ bất chợt "giác ngộ" ra mình phải gạt bỏ sự vất vả của cá nhân để hy sinh cho tập thể cũng nên :D
Đến phần bỏ phiếu thì cả bọn bên dưới sẽ nhao nhao mượn bút, ngó nghiêng, bàn luận và hỏi xem mấy đứa bên cạnh viết gì. Có nhiều đứa còn tưởng đây là bài kiểm tra trắc nghiệm 15p và nó rất lo lắng không biết đâu là phương án đúng. Cũng may là môn này được copy nhau thoải mái và rồi đứa nào cũng sẽ bầu cho những gương mặt sáng giá nhất như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng tổ 1... vào ban chấp hành để làm người "lãnh đạo" cho chính nó trong một trạng thái lơ ngơ và mù mờ.
Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy cái hình ảnh đó không phải chỉ diễn ra ở cấp tiểu học mà hình như nó rất quen thuộc, rất dễ gặp ở nhiều nơi trên khắp đất nước mình. Đặc biệt là, sau cái đại hội hoành tráng đó, mọi việc sẽ ngay lập tức trở lại bình thường vào sáng hôm sau. Việc gì cần diễn ra vẫn sẽ diễn ra, việc gì không được làm vẫn sẽ không được làm. Chỉ đến kỳ "đại hội" tiếp theo, bọn học sinh mới nhớ ra sự tồn tại của một cái gọi là "ban chấp hành" của chúng, cho chúng tự tay bầu lên, và bọn nó lại nhao nhao lên xem tên ai đẹp thì bầu, tên ai dài và xấu thì gạch :D
Đặc biệt là dù tham gia rất nhiều đại hội, đến bây giờ tôi vẫn chưa thể tìm gặp được một đại hội không "thành công tốt đẹp". Sứ mệnh của đại hội là phải thành công tốt đẹp. Mà như thế nào là thành công tốt đẹp, chả ai biết cả, thấy mọi người nói thế thì mình cũng cứ nói thế thôi, hihi.
Và như thế, lại một thế hệ nữa tiếp tục ra đời và đã quen với những cái đại hội thành công vô cùng ngoạn mục :)
0 Comments
Post a Comment