Chắc hẳn với nhiều bạn trẻ, dậy đúng giờ luôn là một thách thức vô cùng to lớn. Nếu như lúc còn bé, việc dậy sớm để đi học đối với bạn chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ thì bây giờ, khi đã học đại học hoặc ra trường đi làm, dậy sớm lại khó hơn hái sao trên trời. Hôm nay, trong thời gian nghỉ ốm và nằm ở nhà, tôi nghĩ nên làm một việc gì có ích và tôi sẽ chia sẽ với các bạn một phương pháp dậy đúng giờ hiệu quả, không đòi hỏi quá nhiều quyết tâm.
Điều 1: Phân loại trường hợp dậy muộn
Nếu bạn đã cố gắng mà vẫn thất bại trong việc dậy sớm, trước hết hãy nhận diện mình là trường hợp nào trong 3 trường hợp sau đây
A. Bạn luôn ngủ li bì mà không bao giờ nghe thấy tiếng chuông báo thức nào cả
B. Bạn có thể dậy trong những dịp quan trọng như đi thi, đi chơi xa nhưng hay dậy trễ vào ngày thường
C. Bạn luôn nghe thấy chuông báo thức, nhưng cũng luôn tắt đi rồi ngủ nướng tiếp
Sở dĩ phải phân loại vì mỗi trường hợp có cách chữa trị khác nhau

Điều 2: Chữa bệnh đúng cách
Tôi sẽ hướng dẫn bạn phương pháp phù hợp cho từng trường hợp kể trên, bạn hãy kiểm nghiệm và áp dụng thử ngay sáng mai.

Trường hợp A: Không bao giờ nghe thấy chuông báo giờ
Việc đầu tiên bạn sẽ nghĩ đến là tìm một cái đồng hồ báo thức có chuông to hơn, nhưng không cần. Bạn có giấc ngủ tốt và ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, đó là một món quà của tạo hóa. Những người quá nhạy cảm với âm thanh hoặc các tác động bên ngoài (như gối, nệm, người đi lại...) luôn thèm khát một giấc ngủ sâu.
Bù lại sự thính nhạy với môi trường, bạn lại có giấc ngủ điều độ. Vì vậy, đi ngủ đúng giờ là cách hữu hiệu nhất cho bạn. Hãy thử đo giấc ngủ tự nhiên vài lần, bạn sẽ nhận ra thời gian ngủ của mình thường cố định, có thể từ 7 đến 9 tiếng. Giả sử thời lượng ngủ của bạn là 7 tiếng, hãy đi ngủ vào 23h hôm trước và bạn sẽ dậy được đúng vào 6h sáng ngày hôm sau.
Bạn không cần một cái chuông báo thức lớn hơn, mà đúng ra là không cần cái chuông nào nữa khi bạn đã làm chủ giờ đi ngủ của mình. Với bạn, chỉ cần nắm được quy luật, bạn có thể thức dậy lúc nào tùy thích.
Trong trường hợp bất khả kháng phải thức khuya và dậy sớm, hãy dự phòng bằng việc nhờ một người khác đánh thức, chú ý ngủ bù vào buổi trưa tiếp theo một lát sẽ giúp bạn phục hồi năng lượng.

Trường hợp B: Nghe thấy chuông, nhưng chỉ dậy được khi cần
Nguyên nhân của trường hợp này là do bạn không có một giấc ngủ khoa học. Bạn đủ thính ngủ để nghe thấy tiếng chuông và "tỉnh giấc" trong giây lát, nhưng đừng nhầm lẫn trạng thái đó với ngủ dậy. Sẽ có những lần bạn tự mình tỉnh giấc, tắt chuông, tự đi ngủ tiếp mà không hề hay biết.
Vào khoảnh khắc tỉnh giấc đó, nếu là dịp quan trọng, thần thức sẽ nhắc nhở bạn phải ra khỏi giường ngay. Nhưng nếu tình hình cho phép trì hoãn, bạn sẽ tự cho phép mình ở lại giường thêm "một phút". Tiếc thay một phút đó đôi khi kéo dài cả buổi sáng.
Bạn cần chữa bằng cách kết hợp cả 2 biện pháp đây
Biện pháp 1: Đi ngủ vào một giờ cố định. Khác với trường hợp A, bạn đi ngủ đúng giờ không phải để căn thời lượng ngủ, mà để tập từ chối thỏa hiệp với bản thân. Hãy hình dung, khi đang tỉnh bạn không thể thuyết phục mình ngủ đúng giờ, thì làm sao khi lơ mơ bạn có thể thuyết phục mình dậy cho được?
Biện pháp 2, quan trọng hơn và cũng hiệu quả hơn: Để ý xem hàng ngày bạn hào hứng với việc gì nhất, hãy làm việc đó khi vừa tỉnh giấc để đánh lừa cảm giác buồn ngủ. Đối với kinh nghiệm bản thân, tôi rất thích check notification của Facebook, vì vậy khi nghe thấy tiếng chuông, tôi mở điện thoại và vào Facebook ngay. Tôi tạm quên đi việc phải dậy đi làm, nhưng sau khi check Facebook và email khoảng 10 phút thì tâm trí tỉnh táo trở lại và tôi có thể đàng hoàng ra khỏi giường.

Trường hợp C: Bạn có nghe thấy tiếng chuông nhưng luôn tắt đi để ngủ tiếp
Có lẽ bạn đang bị rối loạn hoàn toàn giấc ngủ. Có những lúc bạn có thể ngủ từ 20h tối, cũng có bạn đi ngủ vào lúc 4h sáng. Đó là một sai lầm. Hầu hết những rắc rối của sức khỏe bắt nguồn từ giấc ngủ, vì vậy đừng bao giờ coi thường việc đầu tư cho giấc ngủ của mình. Bạn hãy ăn uống đủ chất, làm việc điều độ trước khi tính đến chuyện dậy đúng giờ. Có thể khi bạn còn khỏe mạnh, bạn sẽ chịu đựng được tình trạng suốt ngày uể oải, nhưng đó chắc chắn không phải là điều nên kéo dài.
Hãy tập gắn cảm giác dậy muộn với những hậu quả ghê gớm như: bị trượt thi, mất việc, bị đối tác coi thường... Bạn cũng nên tập thói quen đúng giờ trong cuộc sống hàng ngày. Vấn đề của bạn là cân bằng lại cuộc sống và cơ thể. Bạn nên bố trí công việc vào buổi sáng thay vì cố gắng tránh né và dồn việc lại buổi chiều. Cứ làm mọi thứ vào buổi chiều, bạn chỉ còn sống được một nửa cuộc đời.
Nếu thất bại quá nhiều lần, hãy thử thay đổi môi trường sống. Về quê, đi chơi xa, chuyển phòng ngủ... có thể là những gợi ý cho bạn. Sống lại theo một cách mới, bạn sẽ sớm trở về với ... trường hợp B đã nói ở trên :D

Dậy sớm là một điều tuyệt vời. Ngày nay vì áp lực công việc, chúng ta càng ngày càng có xu hướng vội vàng hơn, dậy vội, đi vội, ăn vội, ngủ vội... Hãy tập cho mình thói quen dậy đúng giờ, dành khoảng 10 phút mỗi ngày để ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh, bạn sẽ thấy cuộc sống thật thú vị và tâm hồn được "refresh" để chuẩn bị cho một ngày làm việc.
Chúc các bạn có những giấc ngủ ngon và luôn dậy đúng giờ :)