Được tham gia công tác Đoàn Thanh niên từ khi còn rất trẻ, tôi có điều kiện tiếp xúc và tâm sự với các anh chị cán bộ Đoàn, Hội ở nhiều thế hệ khác nhau. Luôn vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết, làm việc tận tụy là những đức tính dễ dàng bắt gặp ở những người cán bộ Đoàn. Nhưng tôi cũng được nghe tâm sự về những điều mà họ còn tiếc nuối về thời tuổi trẻ đầy "lửa" thanh niên của mình. Những tâm sự này có thể là của đa số, cũng có thể thuộc về một phần nhỏ cán bộ Đoàn, ở đây tôi chỉ muốn kể lại, để tất cả những ai đã, đang và sẽ bước chân vào con đường của tổ chức Đoàn cùng tham khảo, suy ngẫm:

1. Giành ít thời gian cho gia đình
Đây là điều trăn trở lớn của rất nhiều anh chị cán bộ Đoàn. Ai cũng biết làm công tác thanh niên là phải hy sinh một phần hạnh phúc của gia đình và bản thân, có thể vì vậy mà trong thời gian hoạt động, tôi chứng kiến nhiều trường hợp anh chị cán bộ Đoàn đã tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Đi sớm, về khuya, công tác xa nhà là những việc "như cơm bữa" đối với nghề công tác Đoàn. Nếu như ở các cấp Đoàn cơ sở, việc sinh hoạt và tổ chức của Đoàn có vẻ khá điều độ, thì càng ở các cấp trên, công việc Đoàn càng đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian. Những khi đến kỳ Đại hội, chiến dịch tình nguyện, hoặc có chương trình kỷ niệm lớn thì cảnh anh chị em ở lại cơ quan quá giờ, nhiều khi đến tối mịt là chuyện rất thường tình.
Vất vả là thế nhưng thông thường người cán bộ Đoàn rất ít khi than vãn mà vẫn lạc quan với điều kiện làm việc, mong sao chương trình diễn ra tốt đẹp, để được xả hơi vài ngày trước khi lại bắt đầu vào một chiến dịch mới. Về phần gia đình, có anh chị may mắn được vợ, chồng cảm thông và chia sẻ, cũng có những người không may mắn như vậy. Thường xuyên thấy ông xã, bà xã đi về muộn, hoặc vắng nhà vào những dịp quan trọng, đi giao lưu, gặp gỡ với quá nhiều bạn bè là lý do chính khiến người vợ, chồng phát sinh tâm lý chán nản, vả ảnh hưởng lớn đền hạnh phúc gia đình.
Có một số trường hợp, các anh chị cùng là cán bộ Đoàn đã lấy nhau, chẳng biết có phải như vậy sẽ dễ dàng thông cảm với nhau hơn hay không, nhưng tôi đã nghe những cặp vợ chồng cán bộ Đoàn chia sẻ: “Về đến nhà là chỉ còn biết đi ngủ vì mệt quá, có việc gì hôm sau đến cơ quan mới nói”.

2. Không giữ gìn sức khỏe
Môi trường công tác Đoàn cũng là một nơi khiến mọi người dễ quên đi việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Quá đam mê công việc, nhiều anh chị đã duy trì những thói quen sinh hoạt không khoa học. Điều này sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài sẽ tạo thành tác hại lớn cho cơ thể.
Tôi có thể kể đến một vấn đề tiêu biểu về sức khỏe của cán bộ Đoàn như: Hay thức khuya, về muộn, không ngủ đủ giấc, quá gắng sức, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều... Thực tế thì số cán bộ Đoàn là nam giới mà nghiện thuốc lá, uống rượu bia nhiều gây tác hại đến gan, thận không hề ít. Có thể mọi người sẽ quy kết cán bộ Đoàn hay "ăn chơi nhảy múa", nhưng tôi nghĩ đó là một phần, một phần khác thuộc về đặc thù công việc của cơ quan thanh niên.
Có làm công tác Đoàn, mới biết từ chối các thói quen gây hại cho sức khỏe là một việc khó vô cùng, nhiều khi đòi hỏi sự kiên quyết với bản thân gấp vài lần người khác.

 
Tuổi Đoàn rất đẹp, nhưng không phải ai cũng hài lòng với bản thân khi đi qua


3. Mải cống hiến, quên sự nghiệp bản thân
Có nhiều người thân, bạn bè của chúng tôi không thể lý giải nổi tại sao cán bộ Đoàn thu nhập không cao, công việc vất vả mà lại vẫn cứ ham mê công việc đến thế. Thực sự thì đối với một công việc bất kỳ nào đó, cái mà mọi người đi tìm không chỉ là thu nhập. Tôi thấy rất nhiều người đang là quản lý ở những doanh nghiệp lớn, thu nhập rất cao mà lại bỏ việc để khởi nghiệp, hoặc đầu tư vào những niềm đam mê của bản thân. Nghề Đoàn, Hội cũng như vậy, tuy thu nhập không cao nhưng ai làm Đoàn cũng phải thừa nhận đó là một quãng thời gian rất đẹp. Cõ lẽ, được cống hiến là một loại hạnh phúc đặc biệt mà những ai chưa trải qua cũng khó đồng cảm được.
Nhưng quá mải mê cống hiến, không lo cho sự nghiệp của bản thân trong một thời gian dài lại khiến nhiều cán bộ Đoàn thấy thất vọng về bản thân. Khi hết tuổi Đoàn, nhiều người đã nhận ra rằng họ cũng cần có tiền, cần có địa vị xã hội để tạo dựng cuộc sống ổn định cho gia đình và bản thân. Nhiều cán bộ Đoàn ở tuổi 35, 40, khi mà nhu cầu chăm lo cho con cái, gia đình, nhà cửa và các dự định cá nhân trở nên bắt buộc, ước rằng giá như mình đã thực tế hơn trong về thu nhập và địa vị xã hội, bởi suy cho cùng người ta cũng không thể "vác tù và hàng tổng" mãi được. Trong một chuyến công tác,  anh Phó Bí thư tỉnh đoàn nọ chia sẻ, anh cảm thấy đã "lãng phí" quãng thời gian tuổi trẻ cho công tác và thực sự "hối hận" đã làm Đoàn quá lâu, điều này khiến tôi thấy rất xót xa cho quá trình cống hiến của anh.

4. Không đầu tư đủ cho việc học tập, nghiên cứu
Nếu tính con số cán bộ Đoàn được tham gia các chương trình học tập chính quy và dài hạn trong thời gian công tác đã ít, con số được đi học mà có thời gian học hành đến nơi đến chốn còn ít hơn nhiều. Tôi còn nhớ năm 2012, tôi được tham gia một khóa đào tạo về công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội. Nếu như trong lớp, các anh chị ở cơ quan khác coi việc đi học như một cuộc dạo chơi (vì được nghỉ làm những ngày đi học) thì với chúng tôi, đó lại là cả một thử thách vì phải liên tục chạy qua lại như con thoi giữa Trung tâm đào tạo CNTT và Truyền thông với cơ quan để giải quyết công việc.
Đó cũng là thực trạng của nhiều cán bộ Đoàn khác, nhiều anh chị vì công việc đã tặc lưỡi: "Thôi để học sau, năm nay kẹt công tác". Dần dần, nhiệt huyết học tập, nghiên cứu cũng giảm đi. Nếu có đi học cũng chỉ mong sao nhanh chóng hoàn thành chương trình, lấy cái bằng chứ làm gì có tâm trí nào mà đào sâu vào kiến thức chuyên môn. Một bác lãnh đạo thành phố Hà Nội chia sẻ: “Cán bộ Đoàn nhiệt tình, hăng hái, nhưng nhiều khi không chịu rèn luyện chuyên môn, hỏi đến cái gì cũng chỉ biết một chút thì khó mà nhận trọng trách được”.

 
Học hành, nghiên cứu là chủ đề nhiều cán bộ Đoàn ngại nói đến


5. Thiếu định hướng cho thời kỳ "hậu thanh niên"
Không ít cựu cán bộ Đoàn gặp cảnh "bơ vơ" khi tuổi hoạt động công tác thanh niên sắp hết. Nguyên nhân là họ thiếu một định hướng rõ ràng ngay từ đầu cho thời kỳ "hậu thanh niên" của mình. Không ai trẻ mãi, vì vậy việc chuẩn bị một hướng đi ngay từ khi đang hoạt động Đoàn là một điều rất cần thiết.
Nếu định hướng đó là tham gia hoạt động chính trị ở các cấp cao hơn trong Đảng, trong Nhà nước thì việc chuẩn bị các điều kiện về lý lịch, học vấn,  kinh nghiệm quản lý nhà nước là rất cần thiết. Nếu có ý định công tác tại một ban, ngành, hoặc đơn vị sự nghiệp nào đó, bạn cần có sự tìm hiểu, tạo dựng quan hệ và chuẩn bị kiến thức chuyên ngành. Còn nếu muốn làm việc ở các doanh nghiệp sau khi rời tổ chức, rõ ràng bạn cần có kỹ năng trong lĩnh vực kinh doanh hoặc quản lý hoạt động sản xuất, nhân sự, tài chính... Con đường nào cũng cần sự chuẩn bị chu đáo. Tiếc rằng nhiều cán bộ Đoàn đã không chú ý đến điều này, và chỉ còn biết tiếc nuối vì không biết theo đuổi con đường nào, và cũng không có sở trường hay mối quan hệ trong lĩnh vực nào cả.

6. Không làm được những điều thiết thực trong nhiệm kỳ của mình
Lâu nay, nói đến Đoàn, Hội là người ta nhắc đến vui chơi, văn nghệ, "đàn ca sáo nhị"... Điều này không ngoa, vì có vui thì mới thu hút được giới trẻ. Trong bối cảnh đang có rất nhiều trò vui không lành mạnh hàng ngày tấn công thanh thiếu niên, hoạt động vui chơi, giao lưu của Đoàn là điều rất cần thiết. Nhưng nếu một đơn vị Đoàn chỉ dừng lại ở đó, thì hoạt động Đoàn tại nơi ấy sẽ không để lại nhiều giá trị bền vững.
Có những cán bộ Đoàn rất giỏi trong việc tổ chức hoạt động phong trào, các chương trình văn nghệ, mít-tinh, vận động liên tục được thực hiện, tạo nhiều tiếng vang. Nhưng sau này, cũng chính cán bộ đã thay đổi cách nhìn. Một Bí thư Đoàn trường đại học lớn chia sẻ với tôi: "Mình làm bề nổi nhiều quá, lúc ấy cho rằng thế là rất thành công, ý nghĩa, nhưng khi nhìn lại thấy kinh phí tốn nhiều, mà hiệu quả cũng chẳng được là bao".

7. Lầm tưởng về vị thế của cán bộ Đoàn trong xã hội
Cán bộ Đoàn thường cho rằng, ở đâu có thanh niên là ở đó có Đoàn, đi đâu ta cũng nhìn thấy sức ảnh hưởng to lớn của Đoàn, Hội với thanh thiếu niên, đến nơi nào cũng có đóng góp của cán bộ Đoàn trong phát triển đời sống, xã hội. Nhưng đó là khi nhìn với con mắt của cán bộ Đoàn, còn trong suy nghĩ của phần đông mọi người, Đoàn vẫn còn xa xôi lắm, vẫn còn thiếu thực tiễn lắm. Chẳng thế mà những năm gần đây, tổ chức Đoàn cũng phải cố gắng tự thay đổi cho gần gũi với tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của giới trẻ hơn, nhưng cũng có nơi làm được, có nơi chưa.
Có ra khỏi tổ chức Đoàn và khách quan xem xã hội đang nhìn nhận cán bộ Đoàn là thế nào, tổ chức Đoàn đang làm những việc gì thì mới thấy tính lan tỏa của hoạt động Đoàn còn rất hạn chế. Và có lẽ cho đến lúc nào, cán bộ Đoàn vẫn còn là những người vợ, người chồng không mẫu mực, là những thành viên không thể đóng góp kinh tế nhiều cho gia đình, là những người làm việc không khoa học, uống bia rượu, là những cán bộ thiếu trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý thì hoạt động Đoàn vẫn sẽ mãi còn xa lạ, còn mơ hồ với số đông mọi người.
Bên cạnh những điều tổ chức Đoàn đang làm rất tốt, mong sao các cán bộ Đoàn hãy cùng nhau khắc phục những nhược điểm của mình. Trước hết là để cho mỗi chúng ta sau tuổi Đoàn, không cần phải nói "giá như".

Chu Cường.