Theo lẽ thường, sau khi ra trường khoảng 3 - 5 năm thì sự nghiệp của một người đàn ông bắt đầu được định hình. Trong số bạn bè của chúng ta, một số người chụp ảnh với xe hơi, một số người vào làm ở tập đoàn lớn, một số người khoe doanh số bán hàng khủng... Bên cạnh đó, một số người lại đăng status trầm tư bên ly trà đá, một số than thân trách phận và cuộc đời thật bất công, một số vì chán nản nên đi phượt liên tục nhằm tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình...
Nếu bạn biết Lý An, đạo diễn Châu Á đầu tiên giành giải Oscar đã từng thất nghiệp, ở nhà giúp việc nhà cho vợ và vật lộn mưu sinh đến tận năm 45 tuổi, trước khi trở thành niềm tự hào điện ảnh của Trung Quốc, thì hẳn bạn sẽ cảm thấy mình không có gì phải vội vàng cho lắm. Sự thật 5 năm đầu chưa nói lên quá nhiều vì so với cả cuộc đời thì nó mới chỉ là chặng khởi động.
Nhưng những người như đạo diễn Lý An hay doanh nhân Ray Kroc xung quanh bạn thì quá ít, còn những đứa bạn đồng trang lứa ngày một thành công, giàu có và hoành tránh thì lại quá nhiều.. Và điều đó có thể sẽ khiến bạn suy ngẫm.
Tôi cũng đã từng suy ngẫm về vấn đề này, và tôi thấy rằng, những người thành công muộn và những người đi lạc đường thực ra rất khác nhau. Nếu bạn đã ra trường 5 năm mà sự nghiệp vẫn chưa đâu vào đâu, thì bạn nên hết sức nghiêm túc với vấn đề này, vì không phải ai ngồi nhà đến 45 tuổi cũng đều trở thành Lý An cả đâu. Hãy coi chừng bạn đang đi lạc đường.
Sau khi quan sát những người đàn ông xung quanh, tôi thấy rằng theo tiêu chuẩn xã hội (một tiêu chuẩn không có ý nghĩa lắm, nhưng vẫn được sử dụng) thì sự nghiệp của đàn ông được chia thành ba nhóm:
- Nhóm A: đàn ông thành công hoặc giàu có, có thể tự hào về sự nghiệp của mình
- Nhóm B: đàn ông có công việc và thu nhập ổn định, tuy không nổi bật nhưng cũng đủ tốt
- Nhóm C: đàn ông không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh và kéo theo nhiều sự lo lắng của bản thân họ và gia đình.
Tỷ lệ của 3 nhóm ở tuổi 30 có lẽ rơi vào khoảng: 60% nhóm C, 35% nhóm B, 5% nhóm A. Ở mỗi độ tuổi thì tỷ lệ này cũng thay đổi theo.
Câu hỏi đặt ra là điều gì làm nên sự khác biệt giữa ba nhóm này. Bằng đại học thì chắc chắn không phải rồi, chỉ số IQ cũng không phải, nhiều người nghĩ "chắc nó thành công do bố mẹ", nhưng tôi thấy cũng không phải nốt.
Câu trả lời rất đơn giản, sự khác nhau thực ra chủ yếu nằm ở tính tập trung chứ không phải do năng khiếu hay sự may mắn. Sự thật thì sự khác nhau của 3 nhóm nằm ở vấn đề như sau:
- Nhóm C: Không tập trung vào việc gì cụ thể
- Nhóm B: Tập trung vào một việc cụ thể và làm bình thường
- Nhóm A: Tập trung vào một việc cụ thể và luôn có ý thức làm tốt hơn một chút.
Bạn hãy tự mình kiểm chứng kết quả với bản thân và những người xung quanh 5 năm sau khi ra trường. Như vậy, nếu bạn đang kiên trì theo đuổi một mục tiêu nhưng chưa thấy kết quả thì đừng vội nản lòng, có thể thành công của bạn đang chờ ở phía trước. Nhưng nếu bạn đang không có một mục tiêu gì cả và vẫn lông bông, không biết đâu là đam mê, là ước muốn thực sự của mình thì rất có thể bạn đang lãng phí đi vài năm của cuộc đời.
Nhìn vào bản thân mình trong một số lúc và những người xung quanh, tôi thấy thế hệ của mình là một thế hệ mất tập trung. Có quá nhiều lĩnh vực, nhiều cơ hội nhưng mọi người hầu hết không thể ngồi lại, xác định và theo đuổi một con đường của riêng mình. Do vậy, rất ít người có thể tập trung làm một việc duy nhất trong vòng 5 - 10 năm.
Nếu cứ nay làm việc này, mai làm việc khác, nó cũng giống như bạn đun nồi nước đến 80 độ rồi bỏ đi. Hôm sau lại đun tiếp đến 80 độ rồi bỏ, cứ như vậy. Những kinh nghiệm và kỹ năng của bạn hôm qua có thể không được kế thừa cho công việc hôm nay. Và dù bạn cũng vất vả đun nhưng nước mãi vẫn không sôi, trong khi người khác chỉ cần một khoảng thời gian và công sức ít hơn nhiều, nhưng nhờ sự tập trung nên nước của họ đã "sôi" sớm hơn bạn.
Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ đến những người đàn ông đã và sắp tiến đến ngưỡng cửa 30: Nếu muốn theo đuổi mục tiêu đến cùng thì phải có một mục tiêu trước đã. Kiên trì đi xuyên qua bóng tối là việc tốt nhưng đừng làm một người đi lạc vì chúng ta còn phải làm chỗ dựa cho rất nhiều người xung quanh. Hãy cùng suy ngẫm!
Chu Ngọc Cường.
0 Comments
Post a Comment