Sau vài chuyện lùm xùm ở một số chùa gần đây, tôi lại nhớ đến sư ông, hòa thượng Thích Thanh Từ.

Một đời tu hành, chưa bao giờ sư vướng một mảy may danh lợi. Sư xuất gia tu hành với tổ Thiện Hoa, một người đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Dưới tổ có hai vị đệ tử xuất chúng là thiền sư Thích Thanh Từ và thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cả hai vị đều làm rạng danh Phật giáo nước nhà.

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Trong khi thầy Nhất Hạnh du hóa ở phương Tây, tại Làng Mai khiến cả thế giới cảm phục thì sư ông cũng ở trong nước hóa độ hàng vạn đệ tử, phục dựng thiền phái Trúc Lâm, xây nên bao nhiêu thiền viện làm nơi tu hành và truyền bá giáo pháp của Đức Phật.

Có lần sư ông cảm khái nói: Ngày xưa Phật Thích Ca nhờ ngồi thiền mà đắc đạo, sau đó lại dạy cho chúng ta phương pháp ấy rất tỉ mỉ, khoa học. Vậy mà ngày nay chúng ta đang tu hành những gì đã qua xa với pháp ấy. Nào tụng niệm, nào nghi lễ, nào lăng xăng Phật sự... Sao không dồn sức, nhắm thẳng những phương pháp của Phật để quyết chí tu hành mà cứ đi lòng vòng mãi vậy?

Sư chưa bao giờ cho mình là quan trọng, cũng không bao giờ nhận công lao. Mục tiêu của sư ông luôn luôn là tu hành và nhắc nhở các đệ tử tu hành trong sự giản dị và lòng từ bi. Sư không đắm mình với lý luận và những khái niệm mơ hồ. Trước khi phát biểu, sư tự giới thiệu: Giờ đây tôi nói về thiền, nhưng tôi nói với tư cách một "hành giả" chứ không phải là "học giả".

Trong một bài thuyết giảng, sư nói về một chủ đề cũ và chỉ ra những cái sai trong cuốn sách của chính mình. Sư bảo trước tôi thấy thế là đúng, nhưng nay hiểu ra những chỗ sai nên phải thừa nhận để sửa lại. Việc tu học là mỗi lần học lại phải nhìn cho ra cái sai của mình, nhờ đó mà mới tiến bộ được.

Vợ tôi không theo đạo Phật, nhưng mỗi lần thấy tôi mở bài giảng của sư lại bảo: Em thấy thầy (hòa thượng) trông từ bi như một ông Phật. Cuộc đời và đức hạnh của sư không chỉ cảm phục các Phật tử mà tất cả những ai được biết đến. Giờ đây sư ông đã gần trăm tuổi. Mai này sư ông Trúc Lâm và sư ông Làng Mai đi rồi, đạo Phật Việt Nam sẽ vắng bóng hai vị cao tăng, hai cây đại thụ trong cội nguồn tâm linh của dân tộc.

Mong rằng tất cả những ai đã từng được sư ông dạy bảo, cưu mang xin nhìn tấm gương của sư, không đi ngược với những lời dạy và cuộc đời của sư để khỏi thẹn lòng khi đứng trước sơn môn.

(_)