Những năm gần đây, dường như người Việt Nam chúng ta rất dễ sợ hãi, dễ bị tổn thương và có một hội chứng "sợ làm điều đúng" đang tràn lan một cách khó hiểu trong xã hội.
Chiến, một cậu bé 13 tuổi, trên chính chiếc xe không phanh cũ kĩ mà hàng ngày em vẫn đến trường, đã một mình đi từ Sơn La với mục tiêu về Hà Nội để thăm em trai đang bị ốm ở bệnh viện. Dù đêm tối, dù đói và mệt lả đi, Chiến đã đi được hành trình hơn 100km trước khi được phát hiện và giúp đỡ bởi một số tài xế tốt bụng. Sau cùng, Chiến đã đến được Hà Nội an toàn, gặp được cậu em trai rồi cùng bố trở về nhà bình an.
Đó là một hành trình mà bất cứ ai nghe được cũng thấy cay cay nơi khóe mắt. Trái tim chúng ta xúc động với tình cảm ấm áp mà Chiến dành cho em trai, còn lí trí chúng ta nể phục sự can đảm của cậu bé. Hành trình của Chiến xứng đáng là một hành trình truyền cảm hứng cho sự dũng cảm của một thế hệ thiếu niên dám vượt ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với nỗi sợ hãi để làm một điều gì đó mà em cho là đúng đắn.
Nhưng tôi cũng tự hỏi, bao nhiêu phụ huynh muốn nhân vật chính trong câu chuyện đó là con của mình? Chúng ta có đồng ý cho con cái dấn thân vì những điều mà chúng ta cảm phục và biết chắc là đúng không? Có lẽ không phải tất cả chúng ta đều sẵn sàng đâu.
Ngay khi câu chuyện của Chiến được lan tỏa, tôi cũng đã đọc được rất nhiều ý kiến lo sợ con mình sẽ làm điều tương tự. Chúng ta ngưỡng mộ điều đúng, nhưng lại sợ đến gần nó, chúng ta chỉ muốn ai đó làm giúp mình. Khi nghe tin một học sinh lao mình xuống nước để cứu bạn, chúng ta sợ. Xem video một người dũng cảm ngăn cướp để cứu hàng xóm của mình, chúng ta sợ. Thấy một nhà báo dũng cảm phanh phui sự thật, chúng ta cũng rất sợ...
Vì vậy nên không ít lần, xã hội đã bàng hoàng với những sự việc trộm cướp công khai hành hung nạn nhân, người bị tai nạn thì không ai đến gần, trong trường học thì trẻ em bị bạo hành bởi bạn xấu, thậm chí bởi chính các giáo viên... Tất cả họ đều cô đơn, tuyệt vọng trước ánh mắt bàng quan, thờ ơ và ngần ngại của những người xung quanh.
Tôi không hề định chỉ trích bất cứ ai chứng kiến sự việc đó vì mỗi người đều có những lý do và hoàn cảnh của riêng mình. Chính bản thân tôi cũng không dám chắc mình sẽ làm tốt hơn họ lúc đó. Tôi chỉ thấy rằng đã từ lâu, chúng ta đã quá co cụm trong nỗi sợ đến mức không dám đấu tranh với cái xấu, và thậm chí bây giờ đã đến mức không dám ca ngợi cả những cái tốt, như câu chuyện của Chiến hay nhiều nhân vật dũng cảm khác. Có phụ huynh có thể còn chê bai là họ ngu ngốc, liều lĩnh sẽ thiệt thân và cảnh báo con mình đừng bao giờ làm như vậy. Nhưng nếu như vậy chúng ta sẽ trở nên vô cảm hơn bao giờ hết.
Nỗi sợ hãi là một bản năng thường trực của nhân loại, và để trở thành một con người văn minh, có giá trị chúng ta đã phải học cách đối diện với nó. Vì vậy, tôi vẫn nghĩ xã hội Việt Nam hiện tại rất thiếu đức tin, một niềm tin rằng những hành động tốt đẹp sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp.
Tôi là người theo Đạo Phật, nhưng cũng hay tìm hiểu về các tôn giáo khác. Trong sách Phúc Âm của Ki tô có trích dẫn lời Chúa Jesus nói với các tông đồ: "Này các anh em! Hãy đi sẽ đến, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở. Bởi vì những ai đi thì xứng đáng được đến, ai tìm thì đáng được gặp và ai gõ thì đáng được mở cửa".
Nói theo ngôn ngữ của một số tôn giáo, hành trình kỳ diệu của Chiến có thể đã được một "ơn trên" nào đó soi sáng khiến em ra đi và trở về bình an, mạnh khỏe và gặp những người tốt bất chấp khó khăn với một cậu bé 13 tuổi không biết đường. Nếu em Chiến có thể, tại sao bạn và tôi lại không thể?
Ở khía cạnh làm nền tảng dẫn đường cho các hành động của con người, tôi nhận thấy các tôn giáo lớn có những điểm chung nhất định. Đạo Phật đưa ra luật Nhân quả, trong khi Ki tô và đạo Hồi tin vào Thiên chúa. Nhưng dù là chúa trời hay luật nhân quả thì trên phương diện học thuật đều có được 3 đặc tính như sau:
- Một là tính toàn năng, có thể chi phối mọi sự việc.
- Hai là tính công bằng, nghĩa là điều đúng chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp.
- Ba là tính tuyệt đối, nghĩa là không thể đảo ngược, không có ngoại lệ, hoàn toàn khách quan và không cần chứng minh bằng trí tuệ của con người.
Tôi không đánh đồng đạo này với đạo kia, nhưng rõ ràng nếu bạn có một đức tin với Nhân quả hay Chúa trời, bạn đều đạt được một lợi ích đó là khả năng đối đầu với nỗi sợ để hướng đến hành động đúng. Chúng ta không thể đầu hàng vì điều đó là hèn nhát, không thể phớt lờ sự thật vì đó là liều lĩnh, nhưng chúng ta có thể chấp nhận thử thách và can đảm vượt qua, nếu chúng ta chắc chắn (không nghi ngờ) rằng có một nguyên lý nào đó đang vận hành trong vũ trụ giúp bảo vệ chúng ta khỏi những điều xấu, cái ác.
Tôi thì thích luật Nhân quả hơn, nhưng tôi cũng thừa nhận luật Nhân quả khá trừu tượng và khó chấp nhận với phần lớn mọi người hơn so với các đấng thần linh. Nhân quả nằm ở đâu, có từ bao giờ và vận hành như thế nào là những điều ngay cả các Phật tử cũng có thể mơ hồ. Nhưng Chúa trời và các thần linh lại rất gần gũi và dễ hiểu. Người ta có thể kể vanh vách các câu chuyện trong kinh sách hoặc truyền miệng về các vị thần. Và ý nghĩ rằng đấng toàn năng đó đang ở ngay phía trên chúng ta, bạn có thể chạm đến đấng ngài chỉ bằng một lời cầu nguyện, hoặc một cây thánh giá rõ ràng trực quan, dễ hình dung và dễ chấp nhận.
Bù lại, do tính chất nhân hóa, các đáng toàn năng đôi khi chứa đựng những điều mâu thuẫn, nhất là khi khoa học ngày càng phát triển, các câu chuyện thần thoại dần để lộ những điểm sơ hở khiến giới trí thức cảm thấy hoang đường xa lạ. Nhiều người lại bỏ đạo thần quyền để tìm hiểu đạo Phật. Nhưng tôi không nghĩ đạo nào đúng hơn, bởi sứ mệnh quan trọng của tôn giáo là mang đến hạnh phúc thay vì giải thích thế giới.
Nếu bạn là người đã có một đức tin thì điều đó thật tuyệt. Nhưng nếu bạn chưa có một đức tin nào cả, bạn hãy thử tìm kiếm đi. Biết đâu nó sẽ giúp chính bạn được bình an hơn, dũng cảm hơn, và cũng giúp cho xã hội được văn minh, an toàn và có nhiều tình thương, nhiều hành động "đẹp" và "đúng" hơn nữa :)
Chu Ngọc Cường.
0 Comments
Post a Comment