Tôi viết status này cho các bạn sinh viên đang vất vả với những cuốc khách xe ôm công nghệ trong một ngày khá nóng bức, những tay lái GrabBike, Bee, GoViet..v..v.. nhưng cũng là viết cho quãng thời gian còn đi học của mình.
Cách đây ít lâu, tôi đã đọc khoảng 4, 5 bài báo và bình luận liên tiếp, chê bai công việc tài xế xe ôm công nghệ. Người thì nói rằng đi lái Grab là chôn vùi tuổi xuân, người thì nói các bạn trẻ bây giờ lười nhác, thích kiếm tiền nhanh mà ít gò bó, rằng các bạn sao không đi thực tập ở các doanh nghiệp để vững nghề, người lại nói rằng làm nghề này rồi thì rất khó thoát ra, và sau này sẽ không làm nên trò trống gì cả, rồi họ bảo công việc này ở “các nước tiên tiến” chỉ dành cho người già…v..v.. Họ nói như thể bản thân họ đã thực sự đi làm tài xế vậy. Nhưng tôi nghĩ bản thân họ chưa từng trải nghiệm công việc đó, và họ cũng hiểu rất ít về cánh tài xế Grab.
Ít nhất, khi đọc những bài báo đó, tôi thấy họ cũng không hiểu vấn đề này hơn tôi, một người di chuyển rất nhiều, nhưng đã 4 năm không dùng phương tiện cá nhân. Đi làm hàng ngày, đi giải quyết công việc, gặp khách hàng, đi ăn, đi chơi…tất cả tôi đều sử dụng các ứng dụng gọi xe. Vừa ngồi lên một chiếc xe ô tô hay xe máy, tôi dễ dàng biết một tài xế lái mới hay kinh nghiệm, vào Grab lâu hay chóng, thuộc đường hay không thuộc đường, và cả tính cách của từng người thể hiện qua cách đón khách, cách gọi điện, cách trò chuyện…
Nói về những tài xế GrabBike, thật ngây thơ khi đánh đồng câu chuyện của họ, bởi tôi thấy rất rõ họ có hai nhóm khác nhau: sinh viên và những người trưởng thành.
Với nhóm đứng tuổi, bạn sẽ nhận ra họ qua khuôn mặt đen nhẻm nhiều âu lo, bàn tay chai sạn, những đôi giày dép đơn giản, có khi tuềnh toàng, vì phần lớn họ là những tài xế xe ôm truyền thống, hoặc những người lao động phổ thông. Ứng dụng công nghệ mang đến cho họ cơ hội có nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn và được đối xử công bằng hơn. Cho dù không có Grab, họ vẫn sẽ tiếp tục làm các công việc tương tự. Với các bác tài này, tôi thấy Grab đã mang lại cho họ một cái nghề, dù không có gì to tát, nhưng cũng giúp họ lo được cho gia đình, và có được thu nhập tương xứng với sự vất vả của họ.
Nhóm thứ hai là các bạn sinh viên, hầu như tất cả đều đang đi học. Có lẽ cũng bởi chưa có gì trong tay, nên các bạn ấy chẳng lên báo, lên Facebook để phản biện được, đành kệ thiên hạ rảnh rỗi muốn nói gì thì nói, còn họ vẫn phải bận vừa học, vừa chạy xe để kiếm thêm thu nhập cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Nhưng sự thật họ có đang chôn vùi tuổi trẻ hay không?
Tôi nhớ lại quãng thời gian còn đi học, có mấy thằng chơi thân với nhau thì đều nuôi chí hướng làm ăn. Nhưng cái tuổi mười tám đôi mươi thì biết làm ăn cái gì, chủ yếu là vừa đi làm thêm vừa mua sách đọc, hoặc là có ai dạy cái gì miễn phí thì đi nghe. Tôi từng ngồi làm lời karaoke, vừa đánh máy lời, vừa khớp từng chữ vào nốt nhạc, rồi nhận được thù lao 4000đ – 8000đ mỗi bài. Sau này tôi bán đồ điện tử, vốn không có nên nhập lại hàng từ một anh bạn, cứ mỗi lần lấy 5, 7 chiếc rồi tự đăng tin, tự mình đi ship hàng cho khách bất kể ngày hay đêm, bờ mương hay ngóc ngách.
Để có thêm thu nhập thì tôi nhận thêm hai món là thiết kế banner “dạo” và dịch bài cho báo, cả hai công việc đó nhận được khoảng 50.000đ – 100.000đ cho mỗi lần hoàn thành, ở đâu cũng vậy. Người đầu tiên coi trọng tôi và cho tôi một khoản tiền “bồi dưỡng” là một người anh ở cơ quan cũ. Lúc tôi còn đang đi học và làm cộng tác viên, đã quen với các khoản thù lao rẻ mạt. Cầm cái phong bì, mở ra có 1tr2, tôi rất xúc động, biết ơn và mãi mãi không bao giờ quên kỷ niệm đó.
Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là quãng thời gian mấy thằng góp tiền mở một cái quán café sinh viên, xong chia nhau đứa pha đồ, đứa phục vụ, đứa mua sắm, trang trí. Riêng tôi vì chả biết làm việc gì trong mấy việc ấy nên những buổi không bận học thì sẽ ra quán trông xe. Quán không bán tối, nhưng có một vài lần các nhóm sinh viên offline hay làm chương trình thì sẽ tan muộn tầm 7 – 8h tối.
Có một lần trong lúc đang trông xe thì tôi gặp một bác phụ huynh đến đón con. Bác ấy vừa là giáo viên, vừa là hiệu phó một trường đại học. Trong lúc chờ con gái, ngồi nói chuyện một lúc, thấy rất thích quan điểm và suy nghĩ của tôi, bác đã hứa gả con gái… ấy chết nhầm, hứa cho tôi về làm ở trường bác. Bác cho thông tin liên lạc và bảo sẽ giúp đỡ nếu tôi muốn theo đuổi công tác giảng dạy hoặc quản lý ở trường đại học.
Một lần khác tôi cũng vớt được offer việc làm đó là khi đi sửa máy tính, cái này là làm giúp chứ không phải nghề tay trái. Lúc ấy tôi giúp cho một chú ở gần cơ quan mà vô tình quen biết. Thấy tôi cứ cặm cụi đi xa đến làm giúp, bảo đưa tiền thì không nhận (tôi có quan điểm đã giúp thì không bao giờ nhận tiền), chú rất quý. Thỉnh thoảng tôi có hỏi thăm vài câu về công việc nhưng chú không nói. Sau 2, 3 lần như thế, chú ấy mới nói thật cho tôi biết công việc của mình, và nói sẽ cho tôi vào làm ở một cơ quan lớn ở thành phố. Vào năm 2009 thì vị trí công việc đó đã có “giá trị xin xỏ” hơn 500tr, nhưng tôi cũng từ chối vì không muốn theo nghiệp chính trị.
Và nhiều lần khác, tôi cũng nhận thêm những lời mời khác nữa, tất cả đều nhờ những việc làm thêm bình thường, thậm chí là tầm thường trong mắt mọi người. Mấy ông bạn của tôi cũng thế, vì nhà đứa nào cũng chỉ lo cho đủ ăn học, mấy anh em phải tự thân vận động, chạy ra ngoài kiếm bất cứ việc gì có thể ra tiền, trước khi tính đến những dự định xa xôi, cũng như những bạn sinh viên bây giờ đang chạy xe ôm công nghệ. Chúng tôi có định coi nó là một nghề để gắn bó không? Còn lâu! Nó chỉ là một công việc tạm thời để kiếm cái ăn, cái mặc, có tiền để sống và để mơ ước về tương lai.
“Núi cao phải có đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu”. Nếu các bạn trẻ không có những trải nghiệm “tay chân” từ điều nhỏ thì làm sao làm tốt những cái to lớn. Nếu ngày đi học không cày cuốc, thì mấy thằng chúng tôi làm sao kiếm được công việc tốt, mở được doanh nghiệp và có sự nghiệp riêng. Và người thành công nào trên thế giới chưa từng đi qua những công việc bình thường như thế?
Nếu bạn hỏi tại sao chúng tôi không tìm những công việc cố định, hoặc theo ca, theo khung giờ để làm thì chắc bạn chưa học đại học, hoặc học từ quá lâu mất rồi. Bây giờ cơ chế tín chỉ không có chuyện sáng sáng lên giảng đường đúng 6h45 nữa, chiều nằm nhà nữa. Lịch học của sinh viên thời nay xáo trộn còn hơn lịch bay của Vietjet, đâu có dễ xếp được thời gian cố định để mà đi làm ca. Chưa kể sinh viên còn đi thí nghiệm, thực hành, làm bài tập, thậm chí cũng phải đi chơi với bạn, phải về quê và vô số việc riêng khác, chẳng lẽ cứ phải chọn một công việc giờ cố định mới là người khôn ngoan và có ý chí học hỏi?
Còn các doanh nghiệp, họ đâu phải cái chợ mà ai muốn vào cũng được. Những doanh nghiệp cởi mở nhất cũng chỉ nhận thực tập sinh từ những năm cuối đại học. Còn năm nhất, năm hai người ta cũng phải nuôi cái miệng mình chứ. Kinh nghiệm không có, kiến thức chưa được học tới thì làm doanh nghiệp thế nào được. Ngay cả các bạn đồng trang lứa với tôi có mấy người học rất giỏi, giờ đã làm giảng viên, làm nghiên cứu khoa học thì hồi đi học năm 2, năm 3 cũng chẳng đứa nào kiếm được việc làm thêm tại các doanh nghiệp cả.
Ở ngoài chém gió thì rất dễ, nhưng phải trải qua mới hiểu rằng, trong lúc phần lớn sinh viên vẫn chỉ biết dựa dẫm cha mẹ, thậm chí còn mải ăn chơi, đua đòi, thì những bạn sinh viên dám xách xe ra đường chạy Grab, cóp nhặt từng cuốc xe, cũng như những bạn dám đi phát tờ rơi, trông xe, làm thời vụ… chính là thành phần rất năng động. Hôm nay họ có thể là người ship trà sữa đến cửa nhà bạn, nhưng hãy coi chừng 10 năm sau biết đâu bạn lại xin vào làm ở công ty của họ.
Tôi thừa nhận không có chuyện tất cả các sinh viên đi lái Grab đều sẽ giỏi, sẽ thành công. Nhưng ít nhất họ đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dám kiếm thu nhập bằng sức lao động của mình. Tôi tin nhiều người trong số đó sẽ làm nên chuyện. Vì vậy, các triết gia facebook nên thôi suy diễn như thể mình là người trong cuộc thì hơn.
Trong thời đại này, chừng nào chúng ta còn chưa học được cách tôn trọng giá trị của người khác thì chúng ta sẽ không bao giờ được tôn trọng. Nhất là với các em sinh viên, làm sao bạn biết họ không giỏi chuyên môn, làm sao biết họ không học được gì từ những chuyến xe, làm sao biết họ hài lòng với nghề tài xế và không có ý định kiếm những công việc mới thú vị hơn…v.v.. Tất cả chỉ là sự suy đoán.
Còn tôi, có một điều tôi biết chắc là họ “chăm chỉ” hơn những bạn trẻ không quá bận học nhưng cũng chẳng làm gì cả, rồi dùng thời gian đó cho những thứ vô bổ. Và từ nay, chắc chắn tôi sẽ bổ sung thêm tiêu chí coi thời gian lái Grab bằng với kinh nghiệm làm doanh nghiệp trong quy trình tuyển dụng của mình.
Vì thế, tốt nhất là hãy NGƯNG PHÁN XÉT các bạn trẻ, bởi vì khi chỉ ngồi một chỗ, bạn sẽ không thể biết được những ước mơ nào, khát vọng nào đang ở phía sau tay lái của họ đâu!
Chu Ngọc Cường
19/7/2019.
0 Comments
Post a Comment