Gần đây thấy người ta nói nhiều về chuyện dạy dỗ và bảo vệ con cái. Báo đưa tin về kênh Youtube độc hại, người ta share bài dạy con cách tránh thông tin độc hại trên mạng. Báo đưa tin trẻ bị xâm hại, người ta share bài dạy con phòng tránh bị xâm hại. Hôm sau báo đưa tin một cháu bị bỏ quên trên xe, người ta lại share bài dạy con cách tự cứu mình khi bị bỏ quên trên xe...v..v
Nhiều khi mình cũng chẳng rõ người ta có thực sự dạy bọn trẻ không, hay họ chỉ coi việc share bài và lan truyền thông tin đã là làm đủ trách nhiệm với con cái rồi?
Trên thực tế, mọi người có thể phát sốt lên vài hôm với một loại bệnh tật, với một sự việc nào đó trên báo đài, nhưng khi sự việc qua rồi, thì mối quan tâm của họ với vấn đề đó cũng trôi theo, còn nhân vật chính là những đứa trẻ cũng chẳng vì thế mà được yêu thương hơn. Đôi khi họ không để ý rằng, ngay chính lúc đang mải miết "điều tra vụ án" bằng bình luận trên mạng, những đứa trẻ đang phải chơi một mình với cái ipad và thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, dù điều đó là rất cần thiết trong độ tuổi thơ ấu của chúng.
Mình thì không rành về những vấn đề xa xôi như thế. Là một ông bố trẻ, đối với con, mình giữ mấy thói quen đơn giản mà ai cũng biết, đó là:
- Dành tất cả thời gian ở nhà để chơi với con. Từ lúc Gấu đi học về cho đến tận lúc ngủ luôn luôn có bố mẹ chơi cùng, hoặc ít nhất một người nếu người kia đang bận làm việc nhà.
- Khi chơi cùng con, mình luôn tham gia cùng chứ không chỉ ngồi trông. Xem hoạt hình, câu cá, xếp hình, đá bóng… tất cả đều là bố con cùng làm
- Không bao giờ cầm điện thoại để làm bất cứ thứ gì khi có mặt con, trừ khi phải trả lời điện thoại nhưng ở nhà sẽ rất hạn chế vì mình ít nghe điện thoại ngoài giờ làm việc. Cháu cũng vậy, không được chơi game hay xem phim trên điện thoại.
- Giữ lời hứa với con và cho con biết cái nào được phép, cái nào không. Với những cái đã hứa thì dù mệt bố mẹ cũng làm. Nhưng với những cái không được phép thì dù thích đến mấy con cũng không bao giờ được đáp ứng.
- Không bao giờ đánh hay mắng con. Khi con có thái độ bất hợp tác, không nghe theo thỏa thuận sẽ bị bố đưa đi học luật (cụ thể là bị nhốt lên tầng trên cùng với bố cho đến khi hối lỗi). Khi con có hành vi ngang ngược, đánh mọi người, ném đồ… sẽ bị phạt tay. Ngay cả khi phạt bố cũng sẽ nói nhẹ nhàng không cáu gắt. Mục tiêu của mọi hình phạt đều là để giúp cháu nhận ra điều đúng, điều sai chứ không phải để cha mẹ trút giận.
Gấu nhà mình rất nghịch phá, nhưng được cái khi bị phạt cũng khá chấp hành. Thường thì bố sẽ hỏi tay nào ném đồ để phạt, cu cậu đưa tay ra ngoan ngoãn chịu phạt. Có nhiều lần sau khi bị phạt một tay thì cháu đưa nốt tay còn lại ra bảo bố phạt thêm vì “lúc trước cả hai tay cùng ném”.
- Buổi tối sau khi ăn cơm thì cả nhà không mở tivi nữa, thay vào đó sẽ đọc truyện. Gọi là đọc truyện nhưng thực ra lúc Gấu còn nhỏ hẳn thì chỉ xem tranh và nhận biết các loại động vật, tầm một tuổi rưỡi thì đọc các bài thơ, ca dao. Bây giờ thì cháu bắt đầu nghe được các câu truyện ngắn khoảng 10 dòng.
- Hát cho con nghe các bài hát thiếu nhi đơn giản. Hai bố con sẽ hát bất cứ lúc nào thích, kể cả khi đang chơi, đang đi lượn phố, gặp con gì thì hát bài hát về con đấy.
- Tập cho con biết yêu quý, giúp đỡ mọi người xung quanh, thể hiện tình cảm đó bằng lời nói và hành động với ông bà, cha mẹ, anh chị, các bạn khác. Khi nói chuyện phải biết thưa gửi, lễ phép.
- Rèn luyện sự cứng rắn và độc lập qua những việc đơn giản như khi bị đau, bị lấy mất đồ thì không được khóc. Dạy cháu tự cất đồ sau khi chơi xong. Tập vui vẻ khi bị từ chối vì không phải muốn gì là sẽ được điều ấy.
Mọi người trong nhà kể lại rằng, ngày xưa ông nội từng dạy bố mình theo cách như thế. Lúc mình còn bé thì bố mẹ mình cũng dạy mình như thế. Bây giờ mình có con, mình cũng dạy con như vậy. Và sau này cháu lớn lên, cũng vẫn có thể tiếp tục dạy con của nó như thế.
Những thói quen tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ chính là nền tảng để các em bé lớn lên thành người có ích và có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Chu Ngọc Cường.
0 Comments
Post a Comment