Các quán quân Olympia những năm qua luôn là tâm điểm của câu chuyện "về hay ở lại" của các du học sinh bởi dù sao, họ cũng là tinh hoa của giới học sinh Việt, được chọn lọc qua một kỳ thi khá toàn diện và chất lượng.
Các gương mặt quán quân Olympia trong một lần hội ngộ |
Lâu nay mọi người vẫn cho rằng phải về nước để cống hiến. Nhưng chuyện về nước làm việc, theo tôi phải nên được nhìn nhận khách quan cùng với một số yếu tố như sau:
- Một là, điều kiện phát triển của các cá nhân như thế nào khi họ về Việt Nam. Câu chuyện này chúng ta ai cũng đã biết. Điều kiện học tập, nghiên cứu, cơ chế đãi ngộ nhân tài ở mức nào, mặt bằng thu nhập của nước ta ra sao? Một cá nhân có thể là tinh hoa khi ở nước bạn, về Việt Nam vào làm ở một viện nghiên cứu có khi suốt đời không lên nổi phó phòng vì chưa phải Đảng viên hay trình độ "lý luận chính trị" thấp.
Trong bao nhiêu năm qua, các du học sinh, học sinh giỏi trong các cuộc thi lớn, cũng có nhiều người đã dũng cảm về nước, nhưng số lượng thành công gần như 0%. Vậy thì thay vì về nước để chôn vùi họ, nên để cho họ phát huy ở nơi khác. Chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu môi trường Việt Nam tốt, có cơ hội thì tự khắc người ta về. Còn nếu không cải thiện được thì dù học trong nước, người giỏi sớm muộn cũng lại ra nước ngoài, đất lành chim đậu thôi.
- Thứ Hai cần xét đến Độ tuổi về nước. Điều này cần phải được tính toán và thậm chí là có nghiên cứu, thống kê để có được phương án hợp lý nhất. Trước kia Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nước ngoài để tự học từ năm 21 tuổi, tương tự như một du học sinh bây giờ, Bác bôn ba suốt 30 năm, tức là đến ngoài 50 tuổi mới chính thức trở về Việt Nam. Tuy hoàn cảnh lịch sử có khác nhau, nhưng có thể thấy rằng trong 30 năm đó, mục đích của Bác chính là tích lũy đủ tri thức, kinh nghiệm cũng như chờ đợi thời cơ chín muồi để về nước.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau khi học xong đại học ở Liên Bang Nga, đã ở lại nước bạn kinh doanh, thành công và chỉ chính thức đưa doanh nghiệp của mình trở về năm 2009, khi ông đã hơn 40 tuổi. Thử hỏi nếu vừa tốt nghiệp đại học, ông Vượng đã chân ướt chân ráo về Việt Nam, liệu ông có được tầm nhìn và khả năng để thành công như hôm nay không?
Vì thế, không nên đòi hỏi cứ du học xong là phải về, mà họ nên tiếp tục học tập và phát triển đến một trình độ nhất định, khi có đủ tiềm lực mới nên quay về nước. Đất nước thực sự không cần tấm bằng, mà cần tri thức và khả năng ứng dụng của họ, những điều phải trải qua tích lũy trong nhiều năm chứ không phải cứ học xong là có được ngay.
- Thứ Ba là Khả năng cống hiến toàn cầu. Khi mà công nghệ đã phát triển đến mức sự giao tiếp giữa con người ở khắp mọi nơi trên thế giới không còn trở ngại, thì người Việt ở bất kỳ đâu cũng có thể đóng góp, miễn là nơi đó có kết nối internet. Các giáo sư giờ có thể giảng dạy online, các chuyên gia làm việc qua mạng và bác sĩ có thể khám chữa bệnh, hội chẩn hoặc thậm chí phẫu thuật từ xa dễ dàng.
Tất nhiên, nó không thay thế hoàn toàn việc về nước nhưng về nước cũng chưa chắc đã hiệu quả hơn. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều cần môi trường và điều kiện phù hợp để có thể phát triển, mà cách tốt nhất để đạt đến đỉnh cao thường là đi đến các trung tâm hội tụ tri thức của nó. Ví như học nghệ thuật người ta tới Châu Âu; học công nghệ tới Nhật, Mỹ; học tài chính tới Hongkong, Thượng Hải; học thiền thì tới Ấn Độ, Nepal... là một quy luật rất bình thường. Có những người nghiên cứu về các ngành mà Việt Nam có thế mạnh, nhưng nhiều người khác không như vậy. Nếu họ là cá, tốt hơn hết nên để họ ra hồ nước, ra sông suối, chứ đừng bắt người ta về rừng để leo cây cùng với khỉ.
- Và điều thứ Tư là phát triển cộng đồng. Chúng ta hay đề cao nước Việt hơn là cộng đồng Việt. Điều này bắt nguồn từ truyền thống giữ nước, giữ đất lâu đời. Nhưng trong bối cảnh mới của thế giới, nếu ta chỉ quá chú trọng yếu tố đất nước theo cách truyền thống sẽ trở thành lạc hậu.
Nước Việt của tương lai không phải chỉ là bản đồ hình chữ S. Nước Việt là bất cứ nơi nào có dấu chân người Việt, là nơi chúng ta sinh sống, làm ăn và hướng về cộng đồng Việt. Lịch sử cũng cho thấy hầu hết các dân tộc thành công và thịnh vượng là các dân tộc hình thành được cộng đồng rộng lớn, trải trên nhiều vùng lãnh thổ hơn là chỉ quy tụ ở một phạm vi địa lý.
Nhìn lại các quốc gia phát triển xung quanh chúng ta, đất họ cũng không đến mức quá chật về mật độ dân số, nhưng họ vẫn chịu khó chạy sang các quốc gia khác để tìm kiếm cơ hội làm ăn, buôn bán, lập các doanh nghiệp, cộng đồng và thậm chí là sở hữu các bất động sản, còn đất trong nước thì họ để dự phòng cho tương lai và các thế hệ sau.
Việt Nam ta thì thuộc nhóm đông nhất thế giới với hơn 300 người/km2 (chưa tính công dân nước khác đang ở cùng) nhưng thật đáng tiếc, chúng ta chẳng bao giờ có ý định mở rộng cộng đồng của mình. Một cộng đồng Việt nên xuất hiện ở Việt Nam, ở Mỹ, ở Úc, ở khắp năm châu bốn bể để bắt tay nhau, hỗ trợ nhau cùng giàu có và tạo ra các thành tựu mới phải.
Do đó, tôi thấy đã đến lúc nên xem xét lại khái niệm "cống hiến là phải trở về". Tôi không thấy có lý do gì để các nhà vô địch Olympia (nói riêng), các du học sinh và nhân tài đang ở nước ngoài (nói chung) phải chịu cái tiếng oan là học xong rồi bỏ mặc tổ quốc thêm nữa. Trong khi có thể rất nhiều người trong số họ đang âm thầm đóng góp, hoặc họ sẽ có những đóng góp rất to lớn trong tương lai. Dù họ quay về nước hoặc làm điều đó ở nước bạn, họ vẫn làm rạng danh người Việt, vẫn đang cống hiến cho dân tộc Việt. Chúng ta đừng vì cái tư duy làng xã mà khiến họ chịu mặc cảm, bị tách khỏi mạch nguồn dân tộc ngay trong khi họ đang làm điều đúng.
Thay câu kết, tôi cũng gửi lời động viên đến các anh chị du học sinh, hoặc bạn bè công tác ở nước ngoài: Hãy mạnh dạn bước những bước chân rồng tiên trên những vùng đất mới. Đất nào mà thuở ban đầu chẳng là đất lạ, như cha ông ta xưa kia khi khai hoang mở nước. Những chính bước chân của các bạn sẽ làm nên tương lai của con Lạc cháu Hồng. Hãy vững tin!
Chu Ngọc Cường.
0 Comments
Post a Comment