Người Việt Nam có thể nói là khá ưa tranh luận, bàn luận. Từ thời xưa ở nông thôn, cho đến bây giờ nơi thành thị, không khó để thấy người ta tranh luận về mọi chủ đề. Tôi nhớ ngày trước thiết bị điện còn ít, không có mạng internet, ở quê có khi người ta còn chẳng cần bật đèn đuốc. Đến chập tối, các gia đình trải chiếu, bắc chõng tre ra sân ngồi uống nước và chuyện trò. Người nhà này sang nhà kia ngồi chơi, bàn luận với nhau rỉ rả những câu chuyện xa gần.

Xa là chuyện bên Mỹ, bên Liên Xô. Câu cửa miệng của mọi người là "các nước" nó thế này, thế nọ. Ai mới nghe lại tưởng dân mình toàn người đi du học, hoặc chí ít cũng là thủy thủ viễn dương nên chuyện ở Tây, ở Tàu đều thuộc như lòng bàn tay. Thực ra phần lớn trong số ấy người ta chỉ nghe đồn, hoặc có khi người này tưởng tượng ra nói với người kia, người kia lại ngỡ là sự thật nên kể lại chắc như đinh đóng cột.

Vườn thiền Nhật Bản

Còn chuyện gần là con nhà này vừa vào nghĩa vụ, vợ chồng nhà kia mới cãi vã nhau, rồi đám hiếu nhà này to, cỗ bàn nhà kia dở... Người ta làm lụng chẳng bao nhiêu nhưng mỗi tối tranh luận nhau sôi nổi lắm, có khi chỉ một chuyện nhưng bàn mãi ngày này qua tháng khác vẫn chưa kết thúc.

Bây giờ nhịp sống hiện đại hơn, có phương tiện hiện đại, có mạng internet rồi nhưng thói quen của công chúng vẫn thế, lao động thì tà tà, còn tranh luận thì rất hăng hái. Rồi người ta cũng lại nói chuyện xa, chuyện gần. Từ chuyện nước này có rác nhiều, rác ít, nước kia biểu tình, bãi công.. cho đến chuyện chỗ này ô nhiễm đám cháy, chỗ kia dự án dở dang, người ra tòa vì sửa điểm, kẻ bị chê bai vì khỏa thân... Vô vàn vấn đề, rắc rối nảy ra. Nhiều khi chưa hẳn tại bản thân vấn đề, mà đôi lúc nó nảy ra vì nhu cầu tranh luận của con người.

Giờ đây, nếu hai ba ngày mà xã hội chẳng có "vấn nạn" gì mới, có lẽ nhiều người lại thấy bất an cũng nên. Vì thế, người ta cứ phải đào xới các vấn đề lên. Trong những sự việc ấy, phần lớn người ta cũng nghe đồn chứ chưa bao giờ thấy tận mắt, đến tận nơi, nhưng người ta cũng vẫn tranh luận, phản biện, kết luận sôi nổi như là người trong cuộc. Thì cũng như thời còn ngồi bên cái chõng tre thôi, người bàn cứ bàn, đâu có ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới. Câu chuyện dù có xôn xao đến mấy, vài hôm sau nó cũng chìm đi và ai ở đâu vẫn ở đó, ai làm gì vẫn làm tiếp việc đó, cuộc sống mà. Có khác chăng là cái làng bây giờ rộng hơn một chút và mọi người bàn luận cả ngày lẫn đêm chứ không cần chờ đến chập tối nữa.

Có những khi, chúng ta quá mải mê với những câu chuyện mới nghe thì rất gay cấn, nhưng thực sự chẳng có liên quan gì đến công việc của mình, đến cuộc sống của mình.

Người ta hả hê theo dõi chuyện người khác tan vỡ, lục đục mà quên mất chuyện vợ chồng nhà mình cũng chẳng mấy khi êm ấm, hòa thuận, và bản thân mình đối xử với cha mẹ ra sao.

Người ta bức xúc vì sự ô nhiễm của môi trường mà không để ý sự ô nhiễm trong tâm hồn của chính mình, nhiều lúc đầy nóng giận, ích kỷ, hơn thua.

Người ta chê bai các công trình dang dở, chậm tiến độ nhưng lại chẳng chịu vượt qua lười biếng để thực hiện kế hoạch dang dở của bản thân.

Người ta lên án những công trình không phép, nhưng bản thân họ thì luôn tìm cách lách luật để cuộc sống của mình được thuận lợi.

Người ta chỉ trích những nhà cầm quyền, những người làm chủ đất nước nhưng không chịu làm chủ hành vi và lời nói của chính mình cho đàng hoàng, chuẩn mực.

Người ta thảng thốt về một hỏa hoạn, mà quên mất chính mình cũng đang cháy. Nếu bạn hiểu về sự cháy, không gì khác nó chính là một quá trình ôxi hóa, lão hóa và tan hoại thành tro. Chúng ta cũng đang cháy, chỉ là hơi chậm hơn một chút so với những đám cháy thường thấy. Nhưng ta không lo cho đám cháy của mình, mà thích mải mê với những đám cháy khác.

Ta không biết thời gian của mình đang dần cạn, tuổi trẻ sẽ hết, tuổi già sẽ đến rất nhanh nên không dồn sức cho những việc quan trọng hay đối tốt với người thân. Ta thật chẳng khác một anh nông dân nghèo khổ, nhưng không đứng dậy chăm sóc mảnh vườn của mình, hòng cải thiện cuộc sống của mình và vợ con. Thay vào đó, anh đi khắp nơi trong làng để nghe ngóng và tranh luận đủ thứ chuyện một cách hăng hái.

Mỗi người chúng ta cũng có một mảnh vườn tâm trí của mình, chúng ta sẽ bình an và hạnh phúc biết bao nếu dùng thời gian quý báu đó để dọn dẹp những bụi cỏ, những mảnh rác trong khu vườn. Đó là những lúc bạn đã cáu giận với cha mẹ, đã thờ ơ với con cái, đã hờn dỗi những người bạn bè hay đồng nghiệp; Những lúc bạn bỏ bê sự nghiệp và những dự định vì lười nhác, hay sa đà với những cuộc vui vô bổ, làm hại đến sức khỏe và lãng phí thời gian.

Năm 10 tuổi, bạn đã ước muốn trở thành một người vĩ đại như thế nào, và giờ bạn đã làm được bao nhiêu phần trăm của điều đó? Nếu bạn làm được ít, có thể vì bạn quá chú ý vào việc bàn tán và nghe ngóng, thay vì tập trung vào khoảnh khắc mình đang sống và việc mình đang làm.

Tôi không khuyến khích sự bàng quan và sống tách mình khỏi thế giới. Nhưng bạn chỉ đóng góp được cho xã hội và thế giới khi bạn tiếp nhận các vấn đề với một tâm hồn bình an, ngay thẳng và đầy đủ tình thương yêu. Giống như một chủ nhà đón khách phương xa đến với một ngôi nhà thật ngăn nắp. Ở chiều ngược lại, các vấn đề chỉ mang lại cho bạn sự căng thẳng, bi quan và bạn dễ dàng lan truyền những năng lượng tiêu cực đó cho người khác nữa. Như vậy chẳng lợi ích gì, dù bạn cứ tưởng rằng mình đang làm điều đúng, đang lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Thế giới được làm cho tốt lên không phải bởi những người tài năng nhất, mà bởi tài năng được trao cho những nhân cách vĩ đại nhất.

Thế giới rất rộng lớn, có rất nhiều việc đang chờ bạn. Muốn thay đổi thế giới, nhưng phòng bạn còn đang bừa bộn thì không gì tốt hơn là bắt đầu đứng dậy dọn phòng. Cũng như vậy, nếu bạn ủng hộ hòa bình, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, không gì tốt hơn là bắt đầu vun đắp sự bình yên và làm đẹp tâm hồn. Thiết nghĩ rằng, mỗi người chúng ta, đừng bao giờ quên dành thời gian cho khu vườn của chính mình trước tiên theo cách đó.

Chu Ngọc Cường.