Không biết mọi người nghĩ thế nào, riêng tôi thấy bây giờ một số nơi vẫn chăm chăm dạy các sinh viên sắp ra trường các "kỹ năng phỏng vấn xin việc" thì có gì đó hơi bị lạc hậu.

Trong các chương trình kiểu này, sinh viên thường được đào tạo kỹ năng viết CV, cách gửi đơn ứng tuyển, những điều cần chú ý khi nhận lịch phỏng vấn và tham gia các buổi phỏng vấn tuyển dụng.

Các kỹ năng này có cần không? Cần quá đi chứ, bởi vì sự thật là dù người ta đã đào tạo nhiều như thế mà bao nhiêu ông sinh viên ra trường vẫn không nắm được những cái cơ bản nhất đó. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều lắc đầu ngao ngán và không muốn làm việc với nhóm các bạn trẻ mới ra trường là vì thế.

Học kỹ năng phỏng vấn

Nhưng tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại là học mấy kỹ năng này liệu có thực sự giúp các em có được việc làm và chỗ đứng trong công việc hay không? Tôi cho là không! Tôi thấy đôi lúc việc đào tạo kỹ năng đã được làm quá, khiến các bạn trẻ tưởng rằng kiếm việc làm chỉ xoay quanh mấy chiêu trò làm CV, ăn mặc lượt là, nói năng nhanh nhảu hay tỏ ra mình khôn ngoan với mấy câu hỏi (kiểu đi thi hoa hậu) mà quên mất năng lực cốt lõi mới là thứ mà doanh nghiệp tìm kiếm.

Có mấy nguyên nhân cơ bản thế này:

1. CV có thể trình bày đẹp nhưng khi gặp mặt, hỏi đến kiến thức lơ mơ, kỹ năng lờ mờ, trải nghiệm vật vờ.. thì vẫn bị loại từ vòng gửi xe.

2. Email có thể soạn theo mẫu chau chuốt nhưng lúc gặp mặt nói năng lấc cấc, coi trời bằng vung, không khiêm tốn biết mình là ai, lúc nào cũng tưởng có bằng là thiên hạ phải nể thì người ta cũng tống cổ.

3. Đi phỏng vấn có thể đúng giờ nhưng lúc thử việc thì đến muộn, về sớm, làm việc suốt ngày check facebook, up ảnh instagram, order trà sữa thì quản lý cũng chào bye bye sớm.

4. Lúc phỏng vấn có thể trả lời em nhiệt tình, ham học hỏi nhưng đến khi vào làm động việc gì khó cũng kêu la rầm trời, không phấn đấu lại thích nhiều quyền lợi thì các sếp cũng ngả nón tiễn ra cửa.

5. Đi xin việc luôn miệng đòi em muốn mức lương cao, môi trường chuyên nghiệp. Đến khi người ta giao việc thì kêu sao làm nhiều thế, không có thời gian chơi bời, rồi lên facebook than thở. Ông chủ đành gửi thẳng lên chùa Ba Vàng, một đi không trở lại.

Và cộng thêm mấy nguyên nhân bổ sung nhưng cũng không kém phần quan trọng như thế này:

6. Phần lớn những ông làm nghề tuyển dụng ở các doanh nghiệp lớn đều rất khôn và lõi đời về nhân sự, nếu bạn lừa gái còn không nổi thì đừng tính chuyện lừa nhà tuyển dụng.

7. Các nhà tuyển dụng rất hiếm khi đọc CV nên CV đẹp đẽ chẳng có mấy tác dụng. Họ luôn gặp mặt và đánh giá bạn trực tiếp.

8. Chỉ có các nhà tuyển dụng thiếu kinh nghiệm mới đặt cho bạn các câu hỏi đánh đố kiểu tại sao nắp cống hình tròn, người có kinh nghiệm sẽ hỏi bạn đơn giản, chân thành.

9. Doanh nghiệp rất khôn ngoan, họ sẽ yêu cầu bạn thử việc trước khi ký hợp đồng với bạn. Chỉ trong 1 tuần, tất cả bản chất con người bạn từ thái độ, năng lực chuyên môn, tinh thần cầu thị... đều bị lột trần. Vậy thì bạn phải cố mang cái vỏ giả tạo đi phỏng vấn làm gì.

Vậy thì lời khuyên của tôi cho các sinh viên sắp ra trường, sắp đi phỏng vấn xin việc là:

1. Tập trung vào kiến thức, năng lực cốt lõi cho thật tốt. Bạn đã học cái gì, khả năng ứng dụng nó trong công việc như thế nào phải chứng minh được.

2. Nếu năng lực chưa tốt thì ít nhất có trải nghiệm tốt. Bạn đã thực tập ở đâu, đã đi làm thêm chỗ nào, đã được giao cho công việc gì và làm tốt những việc nhỏ ra sao hãy chịu khó trình bày.

3. Nếu trải nghiệm chưa tốt thì ít nhất có ngoại ngữ tốt. Trong thời đại hiện nay, doanh nghiệp nào cũng ít nhiều cần nhân sự có trình độ ngoại ngữ và bạn sẽ được cộng điểm nếu sử dụng ngoại ngữ thành thạo.

4. Nếu ngoại ngữ cũng chưa tốt thì ít nhất có thái độ tốt. Chăm chỉ, nhiệt tình, không ngại khó, sẵn sàng lao vào mọi công việc thì doanh nghiệp nào cũng yêu mến bạn.

5. Còn nếu thái độ cũng không tốt thì bạn về quê mà chăn bò. Chỉ có những con bò mới chịu làm việc với bạn và cũng chỉ có ba mẹ mới nuôi bạn mà không đòi hỏi bạn làm ra bất cứ thứ gì.

Phần cuối là Bonus: Bí quyết để được đánh giá cao trong lúc phỏng vấn không phải là khôn ngoan mà là sự chân thành. Cái gì biết thì trả lời tự tin, cái gì không biết thì nói là không biết. Khiêm tốn và trung thực là những điều giúp bạn có được thiện cảm của 99% nhà tuyển dụng, đừng bày đặt múa rìu qua mắt thợ, nhất là với các nhà tuyển dụng đứng tuổi các bạn nhé.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân)
Chu Ngọc Cường.